Thứ 5, 28/03/2024 16:19:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:42, 11/11/2015 GMT+7

Phát triển thủy lợi - Đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp

Thứ 4, 11/11/2015 | 09:42:00 393 lượt xem
BP - Thời gian qua, các công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt tác dụng nhằm phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao giá trị của nền nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số công trình hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp, ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa, hạn chế chức năng tưới tiêu. Phóng viên Báo Bình Phước phỏng vấn ông Vũ Hồng Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão về vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.

P.V: Thực trạng phát triển thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong những năm qua và hiện nay công tác này đã, đang gặp những thuận lợi, khó khăn như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Liêm: Từ năm 2000, Sở Nông nghiệo và Phát triển nông thôn đã lập quy hoạch phát triển thủy lợi cho giai đoạn 2001-2010 và rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2010 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1165QĐ-UBND ngày 8-6-2005. UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương và dự toán thực hiện Quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2020 tại Quyết định số 3259/QĐ-UBND ngày 23-11-2009. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 134/TB-UBND ngày 12-5-2015, dừng thực hiện các dự án quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, kể cả dự án được UBND tỉnh thuận chủ trương. Do vậy, quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2020 vẫn chưa được triển khai.

Chân đập hồ Xa Cát (thị xã Bình Long) hư hỏng chưa được sửa chữa do thiếu vốnChân đập hồ Xa Cát (thị xã Bình Long) hư hỏng chưa được sửa chữa do thiếu vốn

Hằng năm, căn cứ theo quy hoạch, ngành đã xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa CTTL. Tuy nhiên, do vốn ngân sách tỉnh hạn chế nên kế hoạch phát triển thủy lợi chủ yếu được Chính phủ hỗ trợ. Từ vốn trái phiếu chính phủ và vốn ngân sách trung ương phân bổ, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, kế hoạch vốn đã phân bổ khoảng 1.450 tỷ đồng. Tỉnh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đưa vào vận hành, khai thác 48 công trình. Đến cuối năm 2015 nâng lên 66 công trình; năng lực thiết kế tưới cho sản xuất nông nghiệp 17.657 ha, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp là 89.800m3/ngày đêm

Tỉnh có 3 mô hình quản lý, khai thác CTTL, cụ thể: Hiện Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý 53 công trình. CTTL do công ty quản lý, khai thác, được sửa chữa thường xuyên nên phát huy tốt hiệu quả, đảm bảo nhu cầu dùng nước của người dân, cũng như an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ. Thứ hai, mô hình doanh nghiệp không chuyên quản lý, khai thác CTTL: Có 10 công trình do doanh nghiệp quản lý, phần lớn không có cán bộ kỹ thuật chuyên về thủy lợi, công nhân vận hành chưa qua đào tạo chuyên môn quản lý thủy nông. Thứ ba, mô hình do UBND xã quản lý: Có 3 xã quản lý 3 công trình, UBND xã giao cho người trong ban điều hành ấp và cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi quản lý. Những người này không có chuyên môn đào tạo về quản lý thủy nông.

Công trình thủy lợi cung cấp nước tưới và nước sản xuất cho Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh (nhỏ) - Ảnh: Đông Kiểm. Hồ thôn Bình Tiến 2, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) được đầu tư hoàn chỉnh, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trong khu vực (ảnh lớn)Công trình thủy lợi cung cấp nước tưới và nước sản xuất cho Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh (nhỏ) - Ảnh: Đông Kiểm. Hồ thôn Bình Tiến 2, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) được đầu tư hoàn chỉnh, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trong khu vực (ảnh lớn)

Trong số có 66 CTTL, có 59 hồ chứa, 6 đập dâng và 1 trạm bơm. Đa số công trình đều phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do một phần diện tích người dân đã chuyển đổi sang trồng cao su, không cần tưới nên một số công trình không khai thác hết khả năng tưới. Bình quân năng lực tưới được huy động đạt 80%.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã được chú trọng nhưng do vốn hạn chế nên số lượng CTTL và nước sinh hoạt chưa nhiều, chưa đáp ứng nhiệm vụ và nhu cầu tưới. Mặt khác, một số công trình được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ XX, đến nay đã xuống cấp, trong khi vốn trung ương bố trí chưa đáp ứng để ngành đầu tư nâng cấp đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả công trình.

P.V: Đối với những CTTL xuống cấp, ngành đã có giải pháp gì để nâng cao chất lượng quản lý, vận hành, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Liêm: Những năm qua, ngoài đầu tư xây dựng mới CTTL, ngành chú trọng nâng cấp, sửa chữa công trình hư hỏng, mất an toàn. Hằng năm, ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp đơn vị quản lý khai thác công trình và chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện hư hỏng, sự cố kịp thời để tham mưu UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp, sửa chữa bằng các nguồn vốn khác nhau. Tính đến cuối năm 2014, đã nâng cấp, sửa chữa 14 công trình, đảm bảo an toàn hồ chứa. Hiện còn 9 hồ, đập chưa được sửa chữa, nâng cấp do chưa có vốn. Vừa qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ cho tỉnh được tham gia Dự án đảm bảo an toàn hồ chứa và giảm nhẹ thiên tai WB8 do Ngân hàng Thế giới tài trợ để tiếp tục sửa chữa, nâng cấp hồ, đập xuống cấp, mất an toàn trong giai đoạn 2015-2018 và đã được trung ương chấp thuận.

P.V: Thực tế, nhiều diện tích đất nông nghiệp trong tỉnh phải bỏ hoang hoặc chỉ canh tác 1 vụ về mùa mưa. Để hạn chế lãng phí tài nguyên đất, theo ông ngành cần có giải pháp khắc phục như thế nào?

Ông Vũ Hồng Liêm: Việc xây dựng CTTL được ngành nghiên cứu kỹ từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Những công trình nào cần phải xây dựng hệ thống kênh tưới đã được đầu tư xây dựng. Đến nay, hầu hết hệ thống kênh mương được kiên cố hóa với 145km. Một số công trình diện tích tưới tự chảy nhỏ, không tập trung thì nhà nước chỉ đầu tư hồ chứa để tạo nguồn cho nhân dân lấy nước tưới, sinh hoạt khu vực lòng hồ và xả hoàn lưu về suối tự nhiên phía hạ lưu công trình để người dân lấy nước tưới, đặc biệt mùa khô suối không còn nước.

Ngoài ra, một số hồ chứa thủy điện và hồ Đồng Xoài, giai đoạn đầu chưa có hệ thống kênh tưới, ngành đã tham mưu trình UBND tỉnh đầu tư. Đến nay, hệ thống kênh tưới hồ Đồng Xoài đã đưa vào sử dụng. Riêng hệ thống kênh sau thủy điện Cần Đơn đã đưa vào sử dụng 25km kênh chính và hệ thống kênh nhánh, còn khoảng 7km kênh nhánh đang xây dựng. Dự kiến nếu bố trí đủ vốn, đến cuối năm 2015, toàn bộ hệ thống kênh trên đều được kiên cố hóa.

Đối với diện tích cây trồng bị bỏ hoang hoặc chỉ canh tác 1 vụ trong mùa mưa, chủ yếu khu vực không có CTTL. Thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống CTTL ở khu vực này và xây dựng kiên cố hóa kênh mương nội đồng phục vụ tốt hơn sản xuất nông nghiệp.

P.V: Tái cơ cấu lĩnh vực thủy lợi, tức là đổi mới công tác quản lý, đầu tư và công tác này phải gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Vậy ngành sẽ thực hiện vấn đề này như thế nào trong những năm tới, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Liêm: Những năm qua, phát triển thủy lợi đã góp phần tăng diện tích tưới cho trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... thông qua việc tạo nguồn, tiêu úng và phòng, chống thiên tai, ngành đã chú trọng ưu tiên cho các xã điểm NTM giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành tiêu chí thủy lợi. Những việc này đã tạo điều kiện cho lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi chủ động chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp. Qua đó, cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ nông nghiệp đã góp phần quan trọng ổn định, bảo đảm an ninh lương thực và tăng giá trị xuất khẩu, xây dựng NTM một cách bền vững. Cuối năm 2014, toàn tỉnh có 20/21 xã NTM giai đoạn 2011-2015 đạt tiêu chí thủy lợi.

Về thủy lợi, giai đoạn tới sẽ rà soát để phục vụ nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng NTM; cần hướng tới các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, như áp dụng phương pháp tưới tiên tiến cho cây trồng cạn, thủy lợi cho thủy sản, ứng dụng công nghệ tiên tiến với nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Hiện trong tỉnh đã có nhiều đơn vị áp dụng công nghệ tưới tiên tiến cho cây trồng chủ lực có lợi thế như cà phê, hồ tiêu... mang lại hiệu quả rõ rệt không chỉ về năng suất, sản lượng mà còn tiết kiệm nước, giảm lượng phân bón, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Hải Châu (thực hiện)

  • Từ khóa
39551

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu