Thứ 5, 25/04/2024 01:50:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:11, 28/03/2019 GMT+7

Không thể giơ cao đánh khẽ...

Thứ 5, 28/03/2019 | 08:11:00 218 lượt xem

BP - Thời gian qua, tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo liên tiếp xảy ra, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường giáo dục. Các vụ việc “cô giáo Lagi”, thầy giáo nhắn tin gạ tình ở Thái Bình... gây xôn xao dư luận. Trước đó, cũng có không ít vụ việc gây chấn động dư luận nhưng do “giơ cao đánh khẽ” nên chưa ngăn chặn được tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức. Vì vậy, dư luận đòi hỏi phải xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo.

Vụ hiệu trưởng mua dâm trẻ vị thành niên xảy ra tại tỉnh Hà Giang năm 2009 là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng bị phanh phui. Những tưởng cái giá 9 năm tù đối với bị cáo trong vụ án sẽ là bài học đắt giá cho những “yêu râu xanh” đội lốt thầy giáo. Thế nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo liên tiếp xảy ra làm hoen ố hình ảnh người thầy, người cô và chà đạp lên truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo không chỉ là hành vi mua dâm, bạo hành học sinh mà ngày càng phức tạp như dùng clip sex để tống tình đồng nghiệp, ngoại tình... cùng những biểu hiện trái luân thường đạo lý. Được biết, trước khi xảy vụ án hiệu trưởng mua dâm tại Hà Giang, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16-4-2008 về những quy định đạo đức nhà giáo với 3 chương, 10 điều. Sau đó, bộ liên tiếp ban hành những chỉ thị, thông tư chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc với tính chất phức tạp hơn như lạm dụng tình dục nhiều học sinh ở Phú Thọ, thầy giáo giở trò đồi bại với nữ sinh lớp 8 ở các tỉnh Gia Lai, Ninh Bình hoặc các trường hợp ở Bắc Giang, Bình Thuận, Thái Bình... Các vụ việc đã làm mất đi hình ảnh cao đẹp của nhà giáo, làm giảm niềm tin của xã hội đối với nền giáo dục nước nhà.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng, do sức ép về nghề nghiệp, quy mô trường lớp hay chương trình quá tải; do mặt trái của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, buông thả; sinh hoạt văn hóa bị ảnh hưởng bởi internet, phim ảnh đồi trụy ngoại lai... là những nguyên nhân làm nảy sinh các vi phạm đạo đức của nhà giáo. Ngành đã đề xuất nhiều giải pháp như xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; tăng cường nâng cao đạo đức nhà giáo; giảm áp lực thi đua đối với giáo viên... Tuy nhiên, vấn đề cần đề xuất là biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo thì ít được đề cập. Thực tế, không ít giáo viên khi vi phạm đạo đức nhà giáo sẽ “bị” chuyển trường như một biện pháp kỷ luật. Biện pháp này quá nhẹ, làm cho đối tượng vi phạm bị “lờn thuốc”.

Trường hợp thầy giáo nhắn tin gạ tình nữ sinh vừa được chuyển sang trường khác; vụ cô giáo vào nhà nghỉ với nam sinh cũng đang được cơ quan chủ quản làm thủ tục chuyển trường, cho thấy việc xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Vì vậy, để làm trong sạch môi trường giáo dục và chấm dứt tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GD-ĐT cần mạnh tay loại bỏ những “con sâu”, các trường hợp không xứng đáng ra khỏi ngành chứ không thể “giơ cao đánh khẽ” bằng cách đẩy người vi phạm đạo đức sang đơn vị khác như nhiều trường vẫn đang làm.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109075

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu