Thứ 5, 18/04/2024 20:22:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:05, 05/04/2018 GMT+7

Không thể phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới của đất nước

Thứ 5, 05/04/2018 | 08:05:00 1,756 lượt xem
BP - Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đạt nhiều thành tựu rất to lớn, làm thay đổi toàn diện đất nước. Những thành tựu đó được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao. Tuy nhiên, các thế lực có dã tâm với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vì những mục tiêu đen tối, đã và đang quyết liệt phá hoại, phủ nhận.

Sở dĩ, chúng ra sức phủ nhận thành tựu đó không gì khác là phục vụ âm mưu xuyên suốt và nhất quán trong chiến lược “diễn biến hòa bình” là phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chúng ta đều biết, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước bắt đầu từ năm 1986, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đổi mới không những là mệnh lệnh từ cuộc sống, mà còn là yếu tố quyết định sự sống còn của Đảng. đổi mới thành công thì Đảng tồn tại, ngược lại, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng, thậm chí sẽ bị nhân dân quay lưng, lãng quên. Thành tựu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, uy tín của Đảng, đồng thời là cầu nối thắt chặt tình đoàn kết máu thịt giữa nhân dân với Đảng, củng cố niềm tin, tình cảm của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Đây là điều mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động không bao giờ mong muốn. Vì vậy, chúng tìm trăm phương ngàn kế để chống phá, trong đó phủ nhận thành tựu đổi mới chính là phương cách chúng cho là hiệu quả nhất.

Mặt khác, phủ nhận thành tựu đổi mới, các thế lực thù địch, phản động còn âm mưu làm chệch hướng nền kinh tế nước ta, hướng nền kinh tế Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chúng cho rằng, Nhà nước can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, kêu gọi chúng ta phải giảm bớt vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, những mảng kinh tế yết hầu, liên quan đến vận mệnh của Tổ quốc, sự tồn vong của chế độ như năng lượng, viễn thông, quốc phòng - an ninh... chúng ta không thể để cho tư nhân, tư bản thao túng. Thực tế hiện nay, chỉ có các doanh nghiệp nhà nước mới dám đầu tư vào những vùng đặc biệt khó khăn, những ngành kinh tế không nảy sinh lợi nhuận, nhằm phát triển đất nước và bảo đảm an sinh, công bằng xã hội. Vì vậy, chúng ta phải duy trì sức mạnh chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế quốc dân. Đây là việc làm hoàn toàn bình thường mà mọi quốc gia, dù tư bản hay cộng sản đều thực hiện, có chăng chỉ là cách thức thực hiện khác nhau mà thôi.

Thực tế không thể phủ nhận, những thành tựu to lớn trong hơn 30 năm đổi mới đã mang lại nguồn sinh khí mới, làm thay đổi toàn diện bộ mặt đất nước. Những thành tựu đó không chỉ nhân dân ta công nhận, mà cộng đồng thế giới cũng phải ngưỡng mộ và chúc mừng. Từ một nước khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, lạm phát trên 700%, nhân dân thiếu đói, phải nhận viện trợ lương thực từ nước ngoài. Nhưng ngày nay, diện mạo đất nước đã thay đổi một cách kỳ diệu, cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, trung bình hơn 7% trong 30 năm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Từ một nước thiếu đói triền miên, chúng ta đã vươn lên, trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. An ninh chính trị ổn định, vị thế và tiếng nói của Việt Nam ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 186 nước trên tổng số 194 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, trong đó bao gồm cả các nước thường trực Hội đồng Bảo an. Việt Nam là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hiệp quốc, ASEAN, APEC, IMF, WB, Phong trào Không liên kết...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,81%, quy mô nền kinh tế đạt 5.007.900 tỷ đồng, GDP đầu người 53,5 triệu đồng/năm (2.385 USD), nằm trong nhóm 50 nền kinh tế lớn của thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI đột phá, đạt 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 425 tỷ USD, trong đó xuất siêu 2,67 tỷ USD; thu hút 13 triệu khách quốc tế; dự trữ ngoại hối lập kỷ lục từ trước tới nay, khoảng 52 tỷ USD. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, từ 60 lên 55/137 nền kinh tế; Ngân hàng Thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, từ 82 lên vị trí 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, xếp thứ 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây chính là những con số biết nói, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của sự nghiệp đổi mới, là minh chứng hùng hồn, đập tan những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động.

Tóm lại, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới chẳng qua chỉ là chiêu trò lừa bịp của bọn thù địch, phản động nhằm mục tiêu chính trị đen tối là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó tiến tới hướng lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Những thành tựu không thể phủ nhận của sự nghiệp đổi mới đất nước chính là minh chứng cho sự đúng đắn, trí tuệ và sáng suốt, quyết đoán của Đảng ta. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vẫn xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội Việt Nam trong tương lai.

Hồng Vân (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2754

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu