Thứ 6, 19/04/2024 08:37:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:44, 14/02/2019 GMT+7

Không thể từ bỏ truyền thống tốt đẹp

Thứ 5, 14/02/2019 | 08:44:00 1,763 lượt xem
BP - Những ngày qua, cả dân tộc Việt Nam đón chào năm mới theo truyền thống ngàn đời - tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, với niềm vui và phấn khởi trước những thành tựu to lớn mà đất nước ta đã đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, lại có những tư duy “lề trái”, mang hơi hướng tiêu cực kêu gọi chúng ta nên từ bỏ tết Nguyên đán hoặc là gộp tết Nguyên đán vào tết dương lịch.

Những tư duy “lề trái”  nguy hiểm

Họ cho rằng ngày nay, cả thế giới sử dụng lịch Công giáo và ăn tết dương thì Việt Nam vẫn còn sử dụng lịch mặt trăng và ăn tết âm. Điều đó đã đi ngược với xu thế thời đại, đi ngược với đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại của Đảng, Nhà nước ta. Hoặc Việt Nam luôn luôn hô hào chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thì phải bỏ tết âm và ăn tết dương, đây là việc làm hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, thể hiện nói đi đôi với làm của Việt Nam. Rồi thì, hiện trên thế giới chỉ còn vài nước ăn tết âm nên việc Việt Nam vẫn duy trì truyền thống tết Nguyên đán là việc làm hết sức cổ hủ, bảo thủ, trì trệ.

Hay những quan điểm nghe có vẻ phù hợp như: Việt Nam vừa nghỉ tết dương lịch lại vừa nghỉ tết Nguyên đán sẽ gây lãng phí thời gian lao động, tốn kém công sức, tiền bạc cho nền kinh tế, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc dân, để lại nhiều hậu quả nặng nề về văn hóa, xã hội như tình trạng chây ỳ, ham chơi, lười làm của người lao động; tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội...

Họ quả quyết rằng, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, nếu nghỉ tết quá dài (bao gồm cả tết dương lịch và tết Nguyên đán) sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều đó hoặc làm giảm giá trị đóng góp của khu vực FDI hoặc gây cho các doanh nghiệp FDI chán nản, thiếu niềm tin mà rút vốn và cơ sở sản xuất sang các quốc gia khác. Họ còn dẫn chứng rằng, năm nào cũng vậy, cứ sau tết Nguyên đán là người lao động không trở lại làm việc, dẫn đến thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp.

Nguy hiểm hơn, những phần tử đó còn lập luận rằng Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường thì cần phải chủ động, tích cực học tập kinh nghiệm, cách quản lý, điều hành nền kinh tế của các nước tư bản phương Tây. Muốn vậy, Việt Nam phải ăn tết dương lịch để phù hợp và trùng khớp về thời gian vận hành nền kinh tế của các nước tư bản phương Tây hiện nay. Tất cả những quan điểm nêu trên thoạt nghe thì có vẻ rất đúng, rất hợp lý, song thực chất lại không hề ổn một chút nào, thậm chí ẩn chứa trong đó là những luận điệu rất nguy hiểm và tinh vi, xảo quyệt.

Một truyền thống tốt đẹp ngàn đời không thể từ bỏ

Trước hết, đây là truyền thống ngàn đời của cha ông, nó có từ thuở “khai thiên lập địa”, hình thành dân tộc Việt Nam. Vì vậy, tết Nguyên đán là đặc trưng tiêu biểu nhất cho nền văn hóa Việt Nam. Luận điệu kêu gọi chúng ta từ bỏ hoặc gộp tết Nguyên đán vào tết dương lịch nếu không khéo suy xét thì chúng ta sẽ bị sa vào âm mưu nhằm tiến tới đồng hóa, tiêu diệt nền văn hóa Việt Nam. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, vì mất văn hóa là mất tất cả. Bởi văn hóa có sứ mệnh hết sức lớn lao - soi đường cho quốc dân đi.

Nền văn hóa tiên tiến - theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam - là nền văn hóa được xây dựng trên cơ sở phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không có nghĩa là rập khuôn, máy móc, sao chép nguyên bản những mô hình hiện có của thế giới. “Hòa nhập nhưng không hòa tan”, tiên tiến, hiện đại song phải đậm đà bản sắc dân tộc. Đó chính là bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Đối với mọi người dân Việt Nam, tết Nguyên đán là dịp để gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng sum vầy nhằm thắt chặt tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Đây còn là dịp nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động sau 1 năm làm việc chăm chỉ, miệt mài. Nghỉ tết kéo dài song Đảng, Nhà nước đã có sự tính toán sao cho phần lớn thời gian nghỉ trùng với ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật (có làm bù nếu rơi vào ngày thường). Vì vậy, tổng thời gian lao động trong năm vẫn bảo đảm, không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế quốc dân như bọn chúng đã và đang rêu rao, xuyên tạc. Thực tế nhiều năm qua, chúng ta đều tổ chức nghỉ tết Nguyên đán dài ngày, song nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng hằng năm, kinh tế phát triển năm sau đều cao hơn năm trước.

Phải thừa nhận một thực tế rằng, hiện nay, các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông trong các dịp nghỉ lễ là vấn nạn chung của cả thế giới, không riêng gì ở Việt Nam. Chúng ta không thể nghe những ý kiến “lề trái” mà vội vàng quy chụp rằng tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội là do nghỉ tết Nguyên đán. Đây là những vấn đề đang được Đảng, Nhà nước tìm giải pháp để hạn chế. Do đó, không vì việc tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội mà từ bỏ một truyền thống tốt đẹp, có từ ngàn đời của cha ông để lại.

Cuối cùng, như mọi người đều biết, việc giải quyết cho người dân nghỉ tết dài ngày cũng là một biện pháp hữu hiệu để kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng. Đơn cử như Nhật Bản hiện nay, họ còn đẩy mạnh khuyến khích người lao động nghỉ sớm vào ngày thứ sáu và đi làm muộn vào ngày thứ hai, đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống để người lao động có cơ hội giải tỏa căng thẳng, giảm tỷ lệ tự tử do áp lực công việc gây nên. Thực tế trên thế giới hiện nay, rất nhiều nước đều tổ chức cho người dân nghỉ tết truyền thống (âm lịch) dài ngày mà không hề ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế của đất nước, chẳng hạn như Trung Quốc,  Singapore...

Tóm lại, tết Nguyên đán là truyền thống tốt đẹp, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu nâng cao năng suất lao động không thể chỉ dựa vào việc tăng thời gian lao động mà đi kèm với đó là nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác mà chúng ta đang tích cực triển khai. Vì vậy, kêu gọi chúng ta từ bỏ hoặc gộp tết Nguyên đán vào tết dương lịch chỉ là những cách nghĩ lệch lạc, một chiều và không loại trừ đó chính là âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động hòng tiêu diệt nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.

Hồng Vân

  • Từ khóa
2832

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu