Thứ 5, 18/04/2024 14:45:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:20, 01/11/2019 GMT+7

Không thể xem nhẹ giáo dục tâm lý học đường

Thứ 6, 01/11/2019 | 08:20:00 219 lượt xem

BP - Nói về bạo lực học đường thời gian qua, có lẽ vụ việc tranh chấp đòi bồi thường liên quan đến nữ sinh Trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên bị nhóm bạn lột quần áo, đánh hội đồng phải nhập viện là vụ đầu tiên được đưa ra xét xử. Do các em từ 14-16 tuổi, nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng chỉ thế cũng đủ làm cho người trong cuộc nhận thức được hành vi sai trái của mình mà “sợ”. Đây là vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học để học sinh hiểu hậu quả của thói bốc đồng, nóng nảy, tùy tiện, hành xử thiếu chuẩn mực phải nhận “cái kết đắng” như thế nào.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ hồi tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo như trường hợp nêu trên phải được xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước. Thủ tướng yêu cầu xử lý theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; làm rõ trách nhiệm của các địa phương về quản lý giáo dục - đào tạo đối với các vi phạm này.

Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường vẫn nổi cộm và chưa có dấu hiệu giảm, thu hút sự quan tâm của dư luận. Những ngày cuối tháng 10, khi vụ việc nữ sinh lớp 11 Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão, TP. Hồ Chí Minh đánh nhau, nguyên nhân được xác định do mâu thuẫn trên mạng xã hội. Và sự việc chưa lắng xuống thì tiếp tục 2 học sinh lớp 11, Trường THPT Marie Curie, TP. Hồ Chí Minh lại hẹn gặp riêng giải quyết mâu thuẫn khiến 2 bạn phải nhập viện điều trị. Tất cả nạn nhân của những vụ việc này sau đó đều bị sang chấn tâm lý chưa thể đến trường. Điều đó dấy lên sự quan ngại về môi trường học đường an toàn, thân thiện!

Qua các vụ việc nêu trên còn khiến nhiều người phẫn nộ vì có vụ diễn ra ngay tại lớp học, nhưng từ đầu đến cuối không một bạn nào ngăn cản. Không những thế, có học sinh còn cổ vũ, quay clip. Nạn nhân chỉ biết khóc thét sợ hãi, đơn độc... Tồi tệ hơn khi trên mạng xã hội xuất hiện clip khiến nạn nhân rơi vào trạng thái hoảng loạn, bất ổn tinh thần...

Từ những vụ việc đã nêu là bài học cho nhiều học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường răn mình. Để các em hiểu rõ, việc làm sai trái của mình không chỉ ảnh hưởng bản thân mà còn phiền toái cho thầy cô, cha mẹ từ thời gian đến tiền bạc và sự sa sút tinh thần không đáng có. Từ các sự việc bạo lực học đường tiếp diễn gần đây còn cho thấy, những điều Thủ tướng đặt vấn đề hồi đầu năm là: “Đây có phải vấn đề báo động không; Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra làm sao, cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào, các đoàn thể, các cơ quan có chức năng trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường?”; “Chúng ta lo tập trung phát triển, tăng trưởng kinh tế, nhưng không thể nào bỏ quên vấn đề xã hội bức bối như vậy đối với đất nước”..., đang đặt ra cho các cấp, ngành sớm tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả nạn bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, những người hoạt động trong ngành giáo dục cũng cần chú ý đặc điểm tâm lý lứa tuổi vị thành niên. Các em có nhiều khúc mắc, hành vi mang tính chất bùng nổ, thiếu suy nghĩ, khó kiểm soát... để từ đó có sự phối hợp thường xuyên, đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; chú trọng hơn nữa trong giáo dục văn hóa, đạo đức, tâm lý học đường. Như vậy, bạo lực học đường sẽ từng bước được loại bỏ. 

An Nhiên

  • Từ khóa
109222

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu