Thứ 6, 29/03/2024 06:19:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:47, 28/09/2019 GMT+7

Khung pháp lý của Đảng

Thứ 7, 28/09/2019 | 08:47:00 237 lượt xem

BP - Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Với quy định này, ngoài việc cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; lần đầu tiên hành vi chạy chức, chạy quyền được định nghĩa rõ ràng, cụ thể. Đây là khung pháp lý hữu hiệu để chống chạy chức, chạy quyền và chống tham nhũng của Đảng trong công tác cán bộ ở nước ta hiện nay.

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Đảng đã đánh giá, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn... Đội ngũ cán bộ ở nước ta có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) cũng đã chỉ ra hiện tượng sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm cán bộ tuy đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Nhất là đã xuất hiện tình trạng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen không đủ tiêu chuẩn, đạo đức để tạo ê-kíp, vây cánh...

Đặc biệt, tình trạng chạy chức, chạy quyền là biểu hiện của nạn tham nhũng, hối lộ để đạt được những vị trí, chức vụ, quyền hạn có khả năng mang lại lợi ích cá nhân trong bộ máy công quyền. Việc chạy chức, chạy quyền chính là dùng các thủ đoạn, mánh khóe, quan hệ, vật chất... để đạt được mục đích mang tính vụ lợi cá nhân. Thời gian qua, chúng ta đã phát hiện nhiều vụ việc tiêu cực như “chạy quy hoạch”, chạy chức, chạy bằng cấp, chạy án... và chạy trốn ra nước ngoài. Hay chạy điểm thi THPT quốc gia ở một số tỉnh phía Bắc để được vào học các trường đại học danh tiếng làm bệ đỡ cho sự nghiệp tiến thân trong tương lai... Những bất cập, tồn tại nêu trên tuy không nhiều nhưng gây hậu quả không nhỏ trong sự phát triển toàn diện của đất nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đồng thời, làm suy thoái tư tưởng chính trị, băng hoại đạo đức, lối sống và tạo ra tiền lệ xấu, sự nguy hại trong công tác cán bộ; gây ra những bức xúc của nhân dân cũng như dư luận xã hội.

Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Đảng ta đã đề ra Nghị quyết số 26-NQ/TW với quyết tâm: “Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền”; “Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị vừa là giải pháp vừa là khung pháp lý của Đảng để kiểm soát quyền lực, tạo bước đột phá quan trọng về nhân sự; đồng thời, xóa nạn chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, bố trí người thân... trong công tác cán bộ từ cơ sở đến Trung ương ở nước ta hiện tại và trong tương lai.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu