Thứ 5, 28/03/2024 22:59:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:54, 06/09/2012 GMT+7

Kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng ở huyện bù Gia Mập

Thứ 5, 06/09/2012 | 15:54:00 2,901 lượt xem

Huyện Bù Gia Mập có diện tích tự nhiên rộng, dân số đông, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 22% nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện còn khá cao. Những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện đã có sự chuyển biến tích cực, bước đầu khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và sự điều hành năng động, có hiệu quả của chính quyền từ huyện đến các xã. Một trong những vấn đề nan giải ở huyện Bù Gia Mập là việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân về việc thu hồi đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép. Huyện đã triển khai và thực hiện khá tốt công tác vận động quần chúng tuân thủ pháp luật, từng bước ổn định cuộc sống.

Ngay sau khi được cấp đất để định canh, đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Đắk U, xã Đắk Ơ đã cất chòi, nhà tạm để sản xuất kịp thời vụ

Ngày 1-11-2009, huyện Bù Gia Mập chính thức đi vào hoạt động. Huyện đã tổ chức nhận bàn giao các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn Phước Long (cũ). Theo khảo sát, phần lớn diện tích đất thuộc Chương trình 134 cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số đã bị tái lấn chiếm. Hồ sơ các đợt thu hồi đất từ năm 2006 và các năm sau đó không đầy đủ. Việc thống kê, xác minh đối tượng, diện tích thu hồi và cây trồng trên đất thu hồi còn nhiều thiếu sót, tạo kẽ hở cho các đối tượng xấu vận động người dân, nhất là một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp. Từ tháng 11-2009 đến 6-2012, trên địa bàn huyện đã có 22 vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp liên quan đến việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Thống kê của huyện Bù Gia Mập cho thấy, từ năm 2010 đến nay đã có gần 3.000 dân di cư tự do đến sinh sống trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội và việc triển khai thực hiện các chương trình dự án của địa phương.

Từ tình hình khó khăn, phức tạp của vấn đề khiếu kiện ở các xã, nhất là những xã có rừng, đất lâm nghiệp, Huyện ủy Bù Gia Mập đã có nghị quyết chuyên đề về công tác vận động quần chúng. Với phương châm “dân vận khéo thì việc gì cũng xong”, huyện ủy xác định công tác dân vận là hết sức quan trọng và phải tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Huyện ủy đã quyết định thành lập 5 tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tại các xã có rừng, gồm Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Phú Nghĩa, Phú Văn. Các tổ công tác này có nhiệm vụ đặc biệt là phải làm sao giải thích, vận động để nhân dân không tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp, đặc biệt là không tham gia phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và không tái lấn chiếm đất lâm nghiệp đã bị thu hồi. Huyện cũng thành lập đoàn củng cố hệ thống chính trị các xã, hằng năm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận. Trước khi tổ chức thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, huyện ủy đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân kê khai diện tích và cây trồng trên đất, tự nguyện di dời; đồng thời giải thích cho các hộ dân mục đích của việc thu hồi đất là để sử dụng vào các công trình an sinh xã hội, ổn định dân cư, tạo điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn.

Huyện Bù Gia Mập có các nhóm vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ: (Điểu Thông và 22 hộ; Điểu Gung và 13 hộ; Lê Thị Lan, Điểu Gieo và Điểu Giấp; Điểu Ơi và 57 hộ; Điểu Lớp và Điểu Hảo; Điểu Chét (Chắc); Trần Thị Thanh Thúy; Lê Văn Toại).

Hội đồng 595 của huyện đã tiến hành rà soát lại toàn bộ nội dung khiếu nại của các hộ. Qua kết quả kiểm tra, rà soát chỉ có 1 vụ là bà Trần Thị Thanh Thúy đủ điều kiện hỗ trợ cây trồng trên đất.

(Nguồn: Báo cáo của Thanh tra tỉnh)

Đến nay huyện đã thu hồi và cấp đất ở, đất sản xuất, đất tái định cư cho 291 hộ dân, với tổng diện tích 252 ha; cưỡng chế và tạm giao đất sản xuất cho 19 hộ với diện tích 21 ha thuộc dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; cưỡng chế đất bị xâm canh, lấn chiếm đã qua san ủi, khai hoang với diện tích 189 ha tại Nông lâm trường Đắk Ơ để cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong việc triển khai thực hiện Kết luận số 13/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch số 52/KH-UBND của UBND tỉnh, huyện Bù Gia Mập đã thành lập Hội đồng 595 để giải quyết các vụ việc. Đến nay, cơ bản các vụ việc có đơn khiếu nại đã được làm sáng tỏ và đang tiếp tục các bước tiếp theo để giải quyết cho dân. Nhờ làm tốt công tác dân vận, trong thời gian qua một số hộ đã xin rút đơn khiếu nại. Tiêu biểu là hộ ông bà Khưu Văn Bình - Trần Thị Nghiệm, trú tại thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ; hộ ông Hoàng Minh Sơn, trú tại thôn 4, xã Đắk Ơ... đều có đơn “xin rút đơn khiếu nại” với lý do “người dân đã nhận thức được chủ trương và việc làm của UBND tỉnh Bình Phước là đúng đắn, phù hợp với pháp luật và thực tế...”.

Tuy vậy, theo ông Dương Văn Dũng, Bí thư huyện ủy Bù Gia Mập thì bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp. Phát biểu tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh mới đây, Bí thư huyện ủy cho biết, cấp ủy, chính quyền huyện đã đề ra bốn giải pháp cơ bản. Trước hết là việc đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của huyện về quy hoạch đất đai gắn với giải quyết vấn đề di dân, ổn định dân cư; gắn với bảo vệ rừng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Huyện ủy chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật trong nhân dân, phát triển lực lượng nòng cốt trong công tác dân vận tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nắm bắt tình hình để giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của nhân dân; đồng thời phải vận động cho được người dân không phá rừng và thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả nhất.

Đức Hồng

  • Từ khóa
1693

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu