Thứ 5, 25/04/2024 04:03:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 11:00, 08/01/2019 GMT+7

Kinh nghiệm từ Tây Ninh

Thứ 3, 08/01/2019 | 11:00:00 154 lượt xem

BP - Tỉnh Tây Ninh vừa khánh thành Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood có quy mô 15 ha với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, được đánh giá là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, có công nghệ hiện đại nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhà máy sẽ sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... Đây là niềm vui lớn của chính quyền, người dân và ngành nông nghiệp Tây Ninh, kỳ vọng sẽ là cú hích cho phát triển kinh tế tỉnh này.

Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, khoảng 70% số dân làm nghề nông với diện tích canh tác rau, quả khoảng 1,6 triệu héc ta. Rau, quả nước ta được đánh giá là giàu tiềm năng xuất khẩu với các loại sản phẩm nhiệt đới, ngon, quý hiếm và rất đa dạng, có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất và xuất khẩu với nhiều sản phẩm thế mạnh như xoài, thanh long, vú sữa, vải, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... và một số loại rau, củ khác. Những năm qua, tăng trưởng từ xuất khẩu đem về cho nước ta nhiều tỷ USD, nhưng nhìn sâu vào cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu lại thấy không ít vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ, bởi xuất khẩu rau, quả chủ yếu ở dạng thô hoặc sơ chế và mặt hàng này chiếm trên 90% tỷ trọng rau, quả xuất khẩu. Trong khi phần lớn giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến, nhất là chế biến sâu.

Bình Phước hiện có 8.951 ha cây ăn trái cùng hàng chục ngàn hécta rau củ quả các loại. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại trái cây nổi tiếng, được đánh giá cao về chất lượng, như sầu riêng Ba Đảo, bơ sáp Mã Dưỡng, nhãn Thanh Lương... Tuy nhiên, số lượng các mặt hàng hoa quả nổi tiếng của tỉnh có trên kệ của các hệ thống siêu thị lớn hoặc xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chủ yếu thông qua hình thức liên doanh, liên kết. Trong khi nguồn cung mặt hàng này của tỉnh lại rất dồi dào và đa dạng chủng loại. Do đó, khi bắt đầu vào mùa thu hoạch, hoa quả thường được giá do khan hiếm, còn ở thời điểm chín rộ, nhà nông thường bị ép giá, thậm chí phải đổ bỏ hoặc phó mặc cho thiên nhiên do thu không đủ bù chi. Vì vậy, việc có một nhà máy chế biến rau, quả hiện đại trên địa bàn tỉnh đã và đang là một đòi hỏi tất yếu.

Việc Tây Ninh có nhà máy chế biến rau quả hiện đại với quy mô lớn đã và đang tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là phát triển các loại cây ăn trái và rau, củ quả chủ lực của địa phương. Cùng với việc thực hiện tốt mô hình liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, ngân hàng, nhà khoa học và nhà phân phối) khép kín theo chuỗi giá trị, Tây Ninh không chỉ giúp Tanifood phát triển, trở thành thương hiệu lớn mà còn là đòn bẩy quan trọng giúp ngành nông nghiệp tỉnh này nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trong thời kỳ hội nhập.

Từ kinh nghiệm của Tây Ninh, rất mong các ngành chức năng của Bình Phước sớm có giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng... Nhất là phải chủ động kêu gọi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến rau, quả có công nghệ hiện đại đến đầu tư. 

Lâm Phương

  • Từ khóa
109027

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu