Thứ 6, 29/03/2024 13:09:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:00, 19/02/2016 GMT+7

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Đồng Phú

Thứ 6, 19/02/2016 | 10:00:00 219 lượt xem
BP - Đồng Phú là huyện trung du miền núi, diện tích 93.622 ha, với 11 đơn vị hành chính gồm 10 xã và 1 thị trấn, 73 ấp, khu phố và 22 dân tộc sinh anh em cùng sống trên địa bàn. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện liên tục phát triển ổn định, đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Đảng bộ, chính quyền huyện Đồng Phú xác định phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở kết quả hoàn thành mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới xã Tân Lập, huyện Đồng Phú đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 6 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó xã Thuận Phú dự kiến sẽ về đích trong năm 2016. Để triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm và kế hoạch dài hạn; trên cơ sở các đề án nông thôn mới cấp xã đã được phê duyệt, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện trong những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm (đứng giữa) và các thành viên trong đoàn kiểm tra tham quan nhà tập đa năng của xã Tân Lập - Ảnh: M.LuậnChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm (đứng giữa) và các thành viên trong đoàn kiểm tra tham quan nhà tập đa năng của xã Tân Lập - Ảnh: M.Luận

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình, huyện Đồng Phú đã đạt những kết quả đáng khích lệ: Bộ máy điều hành từ huyện đến xã và ấp được hình thành khá đồng bộ, thống nhất; các xã đã tập trung chỉ đạo triển khai nội dung theo đề án đã được phê duyệt, bình quân số tiêu chí đạt/xã được tăng lên hằng năm, không có xã đạt dưới 7 tiêu chí. Thu nhập của người dân đang từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện còn 1,88% (đạt dưới mức 3% theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 76%; hộ dân sử dụng điện đạt 93%; lao động qua đào tạo đạt 40%; bảo vệ môi trường trên địa bàn được quan tâm, ở một số xã đã thành lập tổ thu gom rác thải, hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng qua các năm, hiện đạt 92%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Xuất phát điểm ở một số xã thấp, nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, giá nông sản thường bấp bênh, không ổn định. Phần lớn các hộ thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm đầu tư phát triển sản xuất. Sản xuất - kinh doanh còn manh mún, nhỏ lẻ, theo kiểu tự cung tự cấp, chưa có các mô hình liên kết khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ cho sản xuất còn hạn chế. Nông dân thiếu năng động trong tiếp cận thị trường. Nội dung xây dựng nông thôn mới liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống - kinh tế - xã hội nhưng các cấp, ngành chưa có nhiều kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chương trình. Khối lượng đầu tư theo đề án nông thôn mới đã phê duyệt lớn, đặc biệt trong đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, điện, trường học, chợ nông thôn, xây dựng nghĩa trang... Trong khi nguồn lực huy động từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguồn vốn từ doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư trong xây dựng nông thôn mới còn ít, chủ yếu huy động nhân dân đóng góp.

Từ những kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đồng Phú rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Trong chỉ đạo điều hành phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể, gắn vai trò trách nhiệm của các thành viên trong ban chỉ đạo nông thôn mới huyện, ban quản lý xã với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình phải có kế hoạch, lộ trình hằng năm và dài hạn, thường xuyên kiểm tra, giám sát để có sự điều chỉnh và có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Công tác tuyên truyền phải xác định được mục tiêu cần đạt được là làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ nội dung, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Các phương pháp tuyên truyền phải đa dạng và phong phú, phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân. Làm tốt công tác dân vận trong suốt quá trình thực hiện. Mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mọi lợi ích đều phải nhằm phục vụ nhân dân.

Phải có đội ngũ cán bộ thực sự nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo, chủ động tìm tòi nghiên cứu các tài liệu, văn bản hướng dẫn nội dung thực hiện. Phát huy tiềm năng lợi thế và vận dụng tốt các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, gồm tài nguyên, con người và tài chính.

Phát triển nông nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, hình thành các chuỗi phát triển liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Phát triển sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Phạm Thị Hiền
Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Đồng Phú

  • Từ khóa
53909

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu