Thứ 7, 20/04/2024 11:54:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:27, 27/10/2019 GMT+7

Kinh nghiệm xây dựng NTM ở xã đặc biệt khó khăn

Chủ nhật, 27/10/2019 | 08:27:00 572 lượt xem
BP - Cuối năm 2017, Tân Lợi - xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Phú về đích nông thôn mới (NTM). Nhờ hoàn thành chương trình xây dựng NTM, diện mạo Tân Lợi thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giao thông đi lại thuận lợi, sinh hoạt, giải trí của người dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc.

HUY ĐỘNG TỔNG LỰC

Đầu năm 2013, Tân Lợi chỉ đạt 5/19 tiêu chí (gồm quy hoạch, thủy lợi, thông tin - truyền thông - văn hóa, hệ thống chính trị, tiếp cận pháp luật và quốc phòng - an ninh). Đến cuối năm 2017, với sự quyết tâm đồng lòng của toàn Đảng, nhân dân, xã Tân Lợi về đích NTM và không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Chị Nguyễn Thị Ánh, ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi giới thiệu về hệ thống tưới tiêu tiết kiệm trong vườn cây ăn trái của gia đình

Để đạt mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Tân Lợi đã xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng tiêu chí cụ thể. Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã là nhiệm vụ rất khó khăn, nhiều tuyến đường dài đi qua các vườn cây cao su, điều của người dân nhưng ít nhà ở hai bên... Do đó, UBND xã đã phối hợp UBMTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức họp chi bộ, các chi hội ở khu dân cư; họp dân từng tổ, ấp. Cùng với nguồn lực của Nhà nước đầu tư, xã Tân Lợi đã phối hợp vận động người dân hiến cây, đất để xây dựng các tuyến đường giao thông, công trình phúc lợi trên địa bàn xã. Trong giai đoạn 2016-2020, Tân Lợi đã hoàn thành 7 tuyến bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù với chiều dài 7.573m, tổng vốn đầu tư 6.565 tỷ đồng, trong đó huy động người dân đóng góp 2.683 tỷ đồng; 20km đường nhựa và 15 tuyến đường cấp phối sỏi đỏ; tổ chức vận động được 125 hộ dân hiến 8,7 ha đất, trên 1.000 cây cao su, điều đang thu hoạch để làm các tuyến đường, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó, tiêu chí trường học cũng đã triển khai thực hiện tốt và về đích đúng hẹn. Hiện Trường THCS Tân Lợi đã xây dựng các công trình khối hiệu bộ, chức năng; mua sắm nhiều trang thiết bị; xây dựng cổng, hàng rào, nhà bảo vệ, sân bê tông... với tổng mức đầu tư 12,297 tỷ đồng. Trường tiểu học Tân Lợi xây dựng 6 phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị, với tổng vốn đầu tư 5,718 tỷ đồng. Riêng ở điểm lẻ trường tiểu học và mầm non tại ấp Thạch Màng được xây mới thêm phòng học và nâng cấp, sửa chữa các hạng mục sân trường, hàng rào, cột cờ...

Xã Tân Lợi cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hiến cây, hiến đất thi công các tuyến đường điện trên địa bàn. Xã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng 5/5 tuyến điện tại các ấp: Thạch Màng, Đồng Bia, Trảng Tranh, Quân Y. Hiện các tuyến điện đã được đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

ĐẶT LỢI ÍCH NHÂN DÂN LÊN HÀNG ĐẦU

Sau khi về đích NTM, Tân Lợi quyết tâm đầu tư 4 tiêu chí để đạt bền vững lâu dài, gồm quy hoạch, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Việt Tựu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi cho biết: Đối với tiêu chí quy hoạch, xã đã được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 1806/QĐ-UBND ngày 21-6-2017 về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm hành chính xã. Tân Lợi cũng đã có quy hoạch và được huyện phê duyệt điểm chợ tại ngã ba ấp Thạch Màng với diện tích 0,6 ha, đang thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Chúng tôi cũng đang nâng cấp và sửa chữa 2 nhà văn hóa tại ấp Quân Y và Thạch Màng với tổng vốn đầu tư 551,9 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 138 triệu đồng. Tiêu chí phát triển sản xuất được đầu tư phát triển bền vững với việc thành lập 1 hợp tác xã đang hoạt động. Năm 2017, xã thực hiện 2 dự án mô hình nuôi bò sinh sản và tưới nước tiết kiệm với vốn đầu tư 606,5 triệu đồng, trong đó dự án mô hình nuôi bò sinh sản có tổng vốn 540 triệu đồng, huy động nhân dân đóng góp 215 triệu đồng; mô hình tưới nước tiết kiệm, tổng vốn đầu tư 66,5 triệu đồng, huy động nhân dân đóng góp 22,3 triệu đồng.

Sau khi được xã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm tại vườn ươm của Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Hưng Phát (ấp Thạch Màng), nhiều hội viên đã học tập để chăm sóc vườn cây của gia đình. Chị Nguyễn Thị Ánh, tổ 3, ấp Thạch Màng, cho biết: Học mô hình tưới tiêu tiết kiệm từ vườn ươm của hợp tác xã, tôi đã đầu tư mỗi héc ta cây trồng với khoảng 17-18 triệu đồng. Hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt đã giúp gia đình tôi chăm sóc vườn cây non rất hiệu quả, khả năng tưới thấm cao, lại tiết kiệm chi phí nhân công và nguồn nước.

Nói về kinh nghiệm xây dựng NTM của xã, ông Nguyễn Đức Việt Tựu khẳng định: Thứ nhất, nêu cao vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề sát tình hình địa phương; lãnh đạo các chi bộ ấp đưa vào chương trình họp chi bộ. Thứ hai, UBND xã xây dựng kế hoạch, phối hợp UBMTTQ và các đoàn thể, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, thông qua các chi hội, đoàn thể ở khu dân cư; trước khi tuyên truyền phải họp ở xã triển khai cho toàn thể cán bộ, công chức xã biết để tuyên truyền cho người dân được tốt hơn. Thứ ba, trong công tác tuyên truyền phải kiên trì, kiên nhẫn và kiên quyết, đặt lợi ích của người dân lên trên. Đặc biệt, sau mỗi đợt tuyên truyền vận động, phải tổng kết đánh giá để kịp thời tuyên dương tổ chức, cá nhân, hộ dân tiêu biểu đã hiến đất, hiến cây làm đường giao thông và một số công trình khác...

Cẩm Liên

  • Từ khóa
54658

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu