Thứ 7, 20/04/2024 12:36:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:08, 23/04/2019 GMT+7

Kinh tế nông nghiệp nhìn từ chuỗi liên kết - Bài cuối

Thứ 3, 23/04/2019 | 06:08:00 227 lượt xem

>> Bài 1: Thị trường cây giống trước mùa mưa

NHỮNG CÂY TRỒNG HÁI RA TIỀN

BP - “Một vài năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng thôn Bàu Nghé trở thành vùng đất lành, trái ngọt với những con đường rợp bóng hoa vàng cây hoàng yến. Khu du lịch tâm linh núi Bà Rá hoàn thành, Bàu Nghé sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách thập phương bởi 150 ha cây ăn trái đang được hợp tác xã (HTX) của chúng tôi canh tác theo hướng hữu cơ bền vững. Trong đó, sầu riêng, bưởi, cam, quýt là những cây trồng chủ lực để thành viên HTX giàu lên nhờ ứng dụng công nghệ cao cộng sinh với tiềm năng thu hút khách du lịch trong chính sách đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh” - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cây ăn trái Bàu Nghé Trương Văn Đảo tự tin cho biết.

Những cây trồng làm giàu

Chỉ 1 ha trồng bưởi da xanh, nhà nông Đặng Văn Siêu ở xã Minh Lập (Chơn Thành) hay ông Nguyễn Văn Sanh ở phường Long Phước (Phước Long) thu bình quân từ 700-800 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư chăm sóc. Nói đến người trồng bưởi da xanh đầu tiên và thành công nhất trên địa bàn tỉnh Bình Phước phải kể đến nhà nông Lầu Sỹ Nịp ở xã Long Bình (Phú Riềng). Từ 1 ha trồng thử nghiệm năm 2005, đến nay, diện tích bưởi da xanh của nhà nông này được mở rộng đến 20 ha. Năng suất bình quân mỗi héc ta bưởi da xanh 20 tấn, cá biệt có năm lên đến 25 tấn/ha. Nếu giá bình quân 50 ngàn đồng/kg thì mỗi héc ra bưởi da xanh giúp nhà nông Lầu Sỹ Nịp cầm chắc 1 tỷ đồng mỗi năm. Còn cây sầu riêng ở các huyện Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Gia Mập hay Bù Đăng cũng cho thu nhập bình quân cả tỷ đồng mỗi năm nếu đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Bởi mức thu nhập như thế mà nhà trồng sầu riêng Nguyễn Ngọc Hùng ở xã Minh Hưng (Bù Đăng) khẳng định rằng, ở Bình Phước mà không làm giàu được thì không có nơi nào làm giàu được. Lý do để ông khẳng định như thế là nhờ vào thiên nhiên ưu đãi không mưa to, gió lớn, không thường xuyên gặp bão lũ như các tỉnh miền Trung, miền Tây. “3 năm trước, tôi nghĩ nếu trồng sầu riêng với tốc độ như thế này thì không biết bán ở đâu cho hết. Thế nhưng giá sầu riêng năm sau lại cao hơn năm trước, từ 25 ngàn đồng/kg 3 năm trước, năm nay lên đến 50-60 ngàn đồng/kg tại vườn” - ông Hùng nói.

Các giống sầu riêng Monthong, Ri6 đang chứng tỏ thích hợp trên những vùng đất thuộc các huyện Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Gia Mập và Bù Đăng

Sau 19 năm gắn bó với cây sầu riêng, nhà nông Trần Văn Đương ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (Phước Long) khẳng định như đinh đóng cột không có cây nào cho thu nhập cao như sầu riêng. Tuy nhiên, để cây sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao không phải ai cũng trồng được. Năng suất cao nhất của cây sầu riêng có thể lên đến 25 tấn/ha, nhưng để có được năng suất ấy phải đầu tư bình quân 200 triệu đồng/ha/năm. Nếu nhà nông bình thường sẽ không thể đầu tư được như thế. Mặt khác, cây sầu riêng không chỉ rất mẫn cảm với thời tiết mà còn mẫn cảm với lượng nước tưới trong giai đoạn ra bông, kết trái. Nếu cây sầu riêng trong thời kỳ ra hoa mà thiếu nước hoặc tưới thừa nước là hoa sẽ rụng hết, ngay cả khi đậu trái bằng chén nước cũng còn rụng. Muốn điều chỉnh nguồn nước vừa đủ để cây sầu riêng nuôi bông, kết trái, cho năng suất cao mỗi mùa vụ không còn cách nào khác là người trồng phải bám vườn, am hiểu đặc tính và nhu cầu nước tưới, phân bón cho từng thời điểm sinh trưởng của cây. Bởi thế, trong 10 người trồng sầu riêng hay bưởi da xanh, chỉ được 2 hay cao lắm là 3 người thành công. Thị trường tiêu thụ 2 loại trái cây này nhờ vậy mà cung vẫn thiếu so với cầu.

Cần liên kết chuỗi

Liên kết chuỗi giá trị gia tăng là khái niệm gần như ai cũng hiểu trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập như hiện nay. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khái niệm này là bài toán nan giải trong thực tế. Sau 30 năm rút kinh nghiệm trong lĩnh vực cây giống, nhà nông Huỳnh Văn Hiền, xã Minh Hưng (Bù Đăng) cho biết, chỉ riêng huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre mỗi năm sản xuất trên 5 triệu cây giống sầu riêng. Mật độ bình quân mỗi héc ta chỉ trồng được 100-120 cây, cao nhất là 140 cây sầu riêng. Trong 10 năm qua, năm nào cũng sản xuất với số lượng 5 triệu cây giống thì đất ở đâu trồng cho hết. Tuy nhiên, thực tế 10 năm qua cho thấy, lượng cây giống sầu riêng năm nào cũng tiêu thụ hết, là do tỷ lệ người trồng thất bại gấp nhiều lần so với người thành công. Đặc biệt, bưởi da xanh và sầu riêng không phải vùng đất nào trồng cũng được, ai muốn trồng cũng được mà phải hội tụ cả 2 yếu tố. Đó là năng lực tài chính và kỹ thuật chăm sóc, mà đỉnh cao của sự thành công 2 loại cây trồng này là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn từng loại cây trồng ở mỗi vùng đất khác nhau.

Trở lại khái niệm liên kết chuỗi trong sản xuất và phát triển diện tích cây ăn trái để nông dân Bình Phước trở nên giàu có không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân mà đòi hỏi nhiều yếu tố cộng sinh. Trước hết là việc quy hoạch từng vùng đất gắn với từng loại cây trồng khác nhau. Bài học từ Chơn Thành, Bình Long, Hớn Quản một thời ồ ạt trồng sầu riêng để rồi nhận lấy “trái đắng” vì sâu, bệnh hoành hành do điều kiện thổ nhưỡng không thích hợp. Do vậy, vấn đề là làm thế nào để mỗi nhà nông hiểu được vườn, rẫy của mình thích hợp với loại cây trồng nào để chủ động đầu tư phát triển kinh tế cho gia đình. Các mô hình trồng sầu riêng, bưởi da xanh hay cam, quýt, nhãn, mít... cho thu nhập cao trên địa bàn tỉnh hiện nay không thiếu. Thế nhưng, để có quy trình chuẩn cho việc chăm sóc các loại cây trồng này, nhất là kinh nghiệm của nhà nông rút ra từ thực tiễn trong việc phòng trừ sâu, bệnh hại các loại cây ăn trái hiện vẫn chưa được tổng hợp một cách khoa học, bài bản. Sự liên kết giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học với nhà nông trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Với nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh, các HTX nông nghiệp kiểu mới đang được hình thành phát triển. Tuy nhiên, đầu ra cho các mặt hàng nông sản hiện nay đều do HTX nông nghiệp “tự bơi”. Phần lớn các doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh chưa thật sự gắn kết với nông dân hay nói khác hơn là chăm lo cho vùng nguyên liệu.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết cho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, người nông dân muốn nông sản có đầu ra ổn định thì phải liên kết với nhau ngay từ khâu sản xuất. Nhà nông có đất, có công chăm bón; nhà doanh nghiệp có vốn, có thị trường và có cả khoa học, kỹ thuật. Sự liên kết khăng khít giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp kết hợp nhà khoa học và các chính sách năng động, linh hoạt của Nhà nước là giải pháp tối ưu để diện tích cây ăn trái chất lượng cao tỉnh Bình Phước vươn ra thị trường thế giới với nhiều lợi thế cạnh tranh mà không phải nơi nào cũng có được. Nếu thực hành tốt chuỗi liên kết này, có lẽ không chỉ riêng thôn Bàu Nghé mà cả diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bình Phước sẽ trở thành vùng đất lành, trái ngọt như lão nông Trương Văn Đảo đang kỳ vọng.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
44206

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu