Thứ 5, 28/03/2024 23:47:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:59, 28/04/2016 GMT+7

Ký sự: Cận cảnh Bình Ninh 1

Thứ 5, 28/04/2016 | 07:59:00 189 lượt xem

BP - Giữa trưa tháng 4 nắng như đổ lửa, 5 thanh niên mình trần trùng trục ngồi dưới hiên nhà vô tư nâng chén hả hê. Cách đó chừng 10m là nhà văn hóa cộng đồng đã xuống cấp, không thể hoạt động hơn 5 năm qua. Ngay cả công trình giếng nước tập trung phục vụ cộng đồng đã hư hỏng nặng cũng không ai sửa chữa. Mùi phân trâu bốc lên giữa cái nóng oi nồng nhưng không ai quét dọn. Cả ấp có 138 ngôi nhà nhưng có đến 15 nhà tạm. Đó là những hình ảnh ám ảnh tôi khi đặt chân đến ấp Bình Ninh 1, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long.

CHẤP NHẬN ĐÓI NGHÈO

Gia đình bà Thị Hưng được xem là giàu có nhất ấp Bình Ninh 1. Ngoài 2 ha cao su đang khai thác, gia đình bà còn sở hữu 22 con trâu. Chỉ riêng tiền bán phân trâu mỗi năm cũng được 20 triệu đồng. Cả người và trâu ở chung trên diện tích đất chừng 400m2. Trong đó, nhà ở dành cho người 100m, còn lại dành cho trâu. Gia đình bà Hưng, đàn trâu cùng 20 hộ dân ở gần nhà văn hóa ấp Bình Ninh 1.

Nhà văn hóa cộng đồng và giếng nước tập trung ở ấp Bình Ninh 1 được đầu tư cả trăm triệu đồng cho mỗi công trình đã hư hỏng nhưng không ai tu sửa

Ấp Bình Ninh 1 hình thành từ sóc Bình Ninh sau khi huyện Bình Long chia tách thành huyện Hớn Quản và thị xã Bình Long. Còn tên gọi của sóc có từ khi nào không ai nhớ rõ. Toàn ấp hiện có 138 hộ với 622 người, trong đó 40 hộ đồng bào Kinh, còn lại là đồng bào S’tiêng. Trong số 98 hộ đồng bào S’tiêng có 17 hộ nghèo và 15 ngôi nhà tạm, 18 hộ được cấp đất tái định canh định cư, 10 hộ có đất sản xuất với diện tích bình quân 1 ha, hơn 30 hộ thiếu đất và 8 hộ không có đất sản xuất. Phần lớn những gia đình trẻ mới tách hộ đều thiếu đất sản xuất, họ đi làm thuê, làm mướn với những công việc không tên.

Ông Điểu Hà, Trưởng ấp Bình Ninh 1 cho biết: Cả ấp có 150 người được gọi là công nhân lao động nhưng thực ra chỉ có 30 người làm ở nhà máy, xí nghiệp, số còn lại làm thuê mùa vụ. Phần lớn các hộ đồng bào S’tiêng trong ấp đều thiếu đất sản xuất. Do trình độ thấp nên tất cả số người trong độ tuổi lao động không thể vào làm trong các nhà máy, xí nghiệp. Ai may mắn thì được các nông trường cao su thuộc Công ty TNHH MTV cao su Bình Long thuê làm cỏ, bón phân hoặc trồng mới cao su theo mùa vụ.

KHÔNG DÁM ĐẾN “NGÔI NHÀ CHUNG”

Nhà văn hóa ấp Bình Ninh 1 xây dựng từ năm 2005 với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Hơn 5 năm qua, ngôi nhà chung của ấp đã hư hỏng, xuống cấp đến mức không thể hoạt động. Nền nhà lót bằng cây tầm vông đã mục nát. Hiện không ai dám bước vào nhà văn hóa vì sợ sàn tầm vông gãy sập bất kỳ lúc nào. Mặc dù ngôi nhà chung của ấp đã xuống cấp qua mấy đời trưởng ấp nhưng vẫn không có ai đứng ra kêu gọi nâng cấp, sửa chữa. Công trình giếng nước tập trung cũng được xây dựng cách đây gần 10 năm với kinh phí cả trăm triệu đồng đã hư hỏng cũng không được sửa chữa. Ông Điểu Hà cho biết, công trình giếng nước tập trung của ấp sau khi nghiệm thu đưa vào hoạt động chừng vài năm phải ngưng, vì sử dụng lâu ngày nhưng không ai đóng tiền điện nên điện lực cúp.

Chuồng trâu và phân trâu nằm ngay bên hông nhà bà Thị Hưng ở giữa ấp Bình Ninh 1

Không bơm được nước, lũ trẻ trong ấp chơi nghịch lấy đá ném xuống khiến giếng nước tập trung không thể hoạt động. Mùa khô năm nay, cả ấp hết nước sinh hoạt. Đàn trâu của gia đình bà Thị Hưng chết hai con cũng vì thiếu nước. Thế nhưng, người dân trong ấp vẫn hồn nhiên chấp nhận việc giếng nước mà Nhà nước đầu tư cả trăm triệu đồng từ 10 năm trước không phát huy tác dụng. Ngay cả Trưởng ấp Điểu Hà cũng không tìm ra giải pháp nào cứu giếng nước phục vụ sinh hoạt người dân trong mùa khô khốc liệt như hiện nay.

PHÒNG HỌC TRẮC ẨN

25 năm gắn bó với nghề giáo, năm học này cô Nguyễn Thị Nhung được điều chuyển về nhận lớp ở điểm ấp Bình Ninh 1, Trường tiểu học Thanh Bình. Điểm trường có 2 lớp ghép gồm 1D và 2D. Lớp 1 có 4 học sinh, lớp 2 có 6 học sinh đều là con em đồng bào S’tiêng. Lớp ghép có hai tấm bảng, lớp này học tiếng Việt thì lớp kia học Toán. Những em theo học ở đây có vô vàn lý do để ngồi chơi hoặc không đến lớp như “Cô ơi em không có viết”, “Cô ơi em không có vở”, “Cô ơi em quên mang sách”... Để duy trì sĩ số, cô Nhung phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, vừa dạy học vừa làm từ thiện. Hôm thì cho bút, hôm cho vở, quần áo, sách, cặp và cả bánh kẹo để các em đến lớp. 10 chiếc áo học sinh mặc đến lớp đều do cô Nhung xin từ các em ở điểm trường chính về tặng. Riêng em Lâm Thị Quỳnh Như (2006) được cô đều đặn đưa rước đi học mỗi ngày. Anh của Như là Điểu Hoàng, sinh năm 2004 cùng học chung lớp 2 với em gái. Đã hơn 2 tuần rồi Điểu Hoàng không đến lớp. Hai anh em sống chung với ông bà ngoại vì bố mẹ ly hôn và có gia đình riêng.

Quỳnh Như cũng như Điểu Hoàng là học sinh rất ngoan, hát hay, chữ viết đẹp. 2 tuần không thấy Hoàng lên lớp, tôi đến nhà động viên nhưng không được. Thương lắm anh ạ! Ba mẹ không có, hai anh em ở trong căn nhà tạm cách trường 2km. Do vậy, mỗi ngày đi dạy, tôi phải ghé vào chở Quỳnh Như đi học. Tôi động viên Hoàng học hết cấp 1 để sau này còn có cơ hội xin làm công nhân nhưng không tìm gặp được Hoàng. Mới sáng, chị Thị Phấn, mẹ của Điểu Phúc và Thị Uyển chạy lên khóc lóc xin cô đừng để ba nó vào lớp đánh con vì đang say rượu. Dạy ở đây, đêm nào tôi cũng trăn trở vì hoàn cảnh gia đình em nào cũng rất khó khăn.

Nguyễn Thị Nhung, giáo viên điểm lẻ ấp Bình Ninh 1, Trường tiểu học Thanh Bình

“Cậu, dì, mẹ của Điểu Hoàng trước đây cũng chỉ học đến lớp 2. Ông bà ngoại bắt đi học thì chạy ra rừng trốn. Điểu Hoàng hôm nay đi kiếm điều rồi. Hồi sáng kêu đi học, nó bảo chữ nào cũng biết đọc, biết viết hết rồi” - bà Thị Blen, ngoại của Hoàng cho biết.

Ông Điểu Hà nói: Toàn ấp hiện có duy nhất Điểu Khải đang học lớp 10. Học hết lớp 12 cao lắm cũng chỉ 10 người. Còn lại phần lớn học đến lớp 3, lớp 4 rồi nghỉ. Chính từ lý do này nên 90% thanh niên trong ấp không thể xin làm công nhân vì không có trình độ. Ấp Bình Ninh 1 nằm cách trung tâm thị xã Bình Long chừng 6km. Đường vào ấp hiện vẫn là con đường đất mù mịt bụi. Nhiều câu hỏi lớn đang chờ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và các đoàn thể trả lời ngay tại ấp Bình Ninh 1!

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92919

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu