Thứ 5, 18/04/2024 11:18:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:32, 31/01/2019 GMT+7

Lạ mà không

Thứ 5, 31/01/2019 | 09:32:00 126 lượt xem

BP - Những ngày này, tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi gia đình, bên cạnh công việc chung còn tất bật chuẩn bị đón tết và chuyện thưởng tết, còn gọi là “tiền tết”. Chuẩn bị đón tết cơ quan, tổ chức nào cũng có, không ít thì nhiều, không chu đáo cũng bảo đảm không đến mức sơ sài. Tại gia đình riêng, nhà nào sang trọng hay khó khăn, giàu hay nghèo cũng đều có sự chuẩn bị nhất định. Đó là điểm chung của việc chuẩn bị tết, còn thưởng tết hay tiền tết thì không có “điểm chung” như thế, nên cách ứng xử cũng không theo nguyên tắc nào cả.

Người thợ hớt tóc ở tiệm cá nhân làm chủ không có tiền thưởng tết hay tiền tết cuối năm. Thế nhưng giá mỗi lần hớt tóc trong “tháng tết” lại thay đổi và càng giáp tết giá càng cao, tăng từ 15-30%, thậm chí tăng 100% so với ngày thường. Giá rau, hoa, trái cây cũng vậy, cơ bản là tăng, hiếm có loại giảm. Đặc biệt, giá tăng hay giảm không chỉ “đúng lúc” vào thời điểm trước hay sau tết, mà còn “đúng chỗ”. Đó là giá dao động nhiều tại khu vực có đông người làm công ăn lương ở công sở hay doanh nghiệp. Còn ở khu vực nông thôn hoặc nơi ít người làm công ăn lương thì tăng ít hơn. Thậm chí, ngay tại nội ô thành phố Đồng Xoài, tiểu thương - thị trường, có cách điều chỉnh rất hợp lý và tạo nên giá cả khác nhau. Cùng là chợ tự phát và cùng một loại sản phẩm, nhưng khu vực Trường cao đẳng Y tế Bình Phước ở phường Tiến Thành bán giá thấp hơn hẳn, khoảng 20-30% so với các chợ tự phát khác trên đường Trần Hưng Đạo thuộc phường Tân Phú, đường Lê Quý Đôn thuộc phường Tân Xuân hay ở nhiều điểm chợ chính, chợ phụ khác ở thành phố Đồng Xoài. Những nơi bán giá thấp hơn hoặc ít dao động so với ngày thường phần đông dân cư là học sinh, sinh viên, lao động phổ thông, ít người làm việc trong công sở hoặc một bộ phận công nhân có cuộc sống còn nhiều khó khăn... Ở nơi giá dao động cao hơn chủ yếu phục vụ dân công sở, doanh nghiệp...

Thưởng tết ở nước ta không phải “luật” mà là “lệ”. Vì vậy cơ quan, doanh nghiệp không có nghĩa vụ hay trách nhiệm phải thưởng hoặc không thưởng tết cho nhân viên. Thực chất, tiền thưởng tết, tiền tết chính là tiền của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo dựng, tiết kiệm được. Thay vì chia đều các tháng hoặc quý thì dồn lại chi một lần trong dịp tết mà thôi. Tất cả khoản tiền đó nếu không giấu đi đâu được thì đều có trong sổ sách, bảng lương, bảng thu nhập, không ai có thể biến của chung thành của riêng và cũng không ai biển thủ được. Suy cho cùng, phân chia cách nào hay thời điểm nào chỉ khác nhau hình thức mà thôi. Nếu phân chia một cách công bằng thì người lao động được nhận lại khoản tiền thuộc về mình. Nhưng nếu phân chia có bóng dáng của lợi ích nhóm thì bị thiệt thòi cơ bản lại là người yếu thế...

Tết đến, từng gia đình, công sở hay người lao động phổ thông đều bị ảnh hưởng bởi chuyện thưởng tết, giá tết. Đây là điều đeo bám người Việt Nam trong dịp tết cổ truyền hàng trăm năm qua. Ngày nay, người Việt đã bỏ được phần nào quan điểm và lối sống “Tháng giêng là tháng ăn chơi...”, tạo nên sức bật mới trong phát triển. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người hoài niệm về tết xưa với những nét đẹp truyền thống đáng lưu giữ. Bên cạnh đó lại có những người muốn “vẽ vời” để nhận được càng nhiều “lộc” trong dịp tết càng tốt. Còn với rất nhiều người lao động chân chính và cuộc sống còn nhiều khó khăn, tết ở một góc độ nào đó lại như một “gánh nặng”. Khi nào bỏ được gánh nặng ấy, tự nhiên cũng sẽ không còn hớt tóc giá tết, sơn móng tay giá tết, rửa xe giá tết... -  “chuyện lạ” với người dân ở những nước phát triển.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu