Thứ 7, 20/04/2024 16:24:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:20, 07/08/2015 GMT+7

Lại chuyện phí và lệ phí

Thứ 6, 07/08/2015 | 09:20:00 103 lượt xem

Những ngày qua, nhiều tờ báo đưa các tin, bài trái ngược về “sưu cao thuế nặng” ở một số xã của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Theo điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam, rất nhiều khoản thu vô lý được chính quyền ở đây đưa ra, phí chồng phí, bắt người dân phải nộp giống như thời phong kiến. Thực hư sự việc đang được các ngành chức năng trung ương và địa phương làm rõ. Tuy nhiên, đây là câu chuyện không mới trong quản lý hành chính, kinh tế ở nước ta. Mới đây, chuyện phí và lệ phí lại tiếp tục được các đại biểu Quốc hội khóa XIII thảo luận sôi nổi tại kỳ họp thứ 9.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương cho biết: Hiện phí, lệ phí kiểm dịch trên gia cầm còn khá nhiều, đôi lúc trùng lắp làm tăng chi phí sản xuất và lưu thông. Trong đó, một con gà đang “cõng” tới 14 loại phí, lệ phí như: Kiểm dịch gà con mới nở, cấp giấy kiểm dịch xuất khẩu gà khỏi trang trại ngoài tỉnh, kiểm soát giết mổ, tiêu độc, khử trùng... Trong quá trình chăn nuôi, các cơ sở phải lấy mẫu nước để kiểm tra xem có bệnh gì trên gia cầm không cũng phải đóng phí...

Rồi chuyện đóng phí bảo trì đường bộ. Mặc dù chủ xe đã đóng loại phí này, nhưng chạy xe ra khỏi nhà lại phải đóng phí cầu đường. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thẳng thắn trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng: “... Hiện nay, một chiếc xe ôtô đến tay người dân khi sử dụng đã gánh quá nhiều loại phí, thuế, nay thêm phí đường bộ là không hợp lý. Việc thu phí đường bộ là có lý do nhưng trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, tôi cho rằng cần bãi bỏ khoản thu này vì không hợp lý, thiếu công bằng, khó quản lý”...

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cùng một con gà nhưng có đến hai bộ cùng ra thông tư thu lệ phí. Điều đó cho thấy đang có tình trạng nhiều cơ quan cùng lúc có thẩm quyền ban hành thông tư về phí và lệ phí. Và người dân không thể phân biệt được đâu là phí, đâu là lệ phí, có đúng với luật pháp hay không! Chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng phải thừa nhận, còn rất nhiều khoản thu không hề có trong danh mục phí và lệ phí nhưng vẫn được các địa phương tích cực thu. Khi người dân và báo chí vào cuộc phản ánh thì ngành chuyên môn mới đi kiểm tra, chấn chỉnh và... “sai thì phải sửa chứ sao”. Chỉ riêng lĩnh vực thú y, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan thú y địa phương dừng ngay 37 khoản phí và 14 khoản lệ phí.

Theo Pháp lệnh số 38/2001/PL của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X, phí là khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ, quy định trong danh mục các loại phí ban hành kèm theo pháp lệnh. Lệ phí là khoản tiền tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước, quy định trong danh mục lệ phí ban hành kèm theo pháp lệnh. Vậy, phí và lệ phí là khoản tiền nộp khi được hưởng dịch vụ hoặc phục vụ công việc quản lý nhà nước, phân biệt rất rõ ràng. Thế nhưng trên thực tế không phải như vậy, lạm thu vẫn diễn ra. Hiện nhu cầu của người dân về dịch vụ công ngày càng đa dạng. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ công có thu phí, lệ phí do cơ quan nhà nước thực hiện ngày càng phát triển, phát sinh nhiều loại phí, lệ phí, đòi hỏi các chính sách phải nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung phù hợp, tránh trường hợp người dân và doanh nghiệp phải “cõng” quá nhiều loại phí và lệ phí.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu