Thứ 6, 29/03/2024 16:31:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:27, 20/06/2015 GMT+7

Lại nói về lòng tham

Thứ 7, 20/06/2015 | 10:27:00 510 lượt xem
BP - Cha ông chúng ta đã dạy nhiều về đạo lý làm người, tình thương đồng loại, tình đồng bào, sự gắn bó mật thiết giữa con người trong cuộc với nhau qua những câu ca dao, tục ngữ. Và những điều đó đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc. Ấy vậy, hiện trong xã hội xuất hiện không ít những người có lòng tham, sự cố chấp, bon chen, ích kỷ, hẹp hòi, ăn cắp vặt, ghen ăn tức ở...

Nhân sự kiện chị bán ve chai nhặt được 5 triệu yen Nhật và trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến lòng tham.

Cách đây hơn 1 năm, câu chuyện chị bán ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng, quê Quảng Ngãi, tạm trú quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh nhặt được 5 triệu yen trong cái loa thùng cũ, do chị mua đồng nát mà được. Sau khi phát hiện ra số tiền lớn, chị Hồng đã mang đến nộp cho công an. Đây là hình ảnh đẹp của người bán ve chai không vì lợi mà đánh mất hình ảnh “đói cho sạch, rách cho thơm” của mình. Khi Công an quận Tân Bình trả lời chị rằng, sau 1 năm không có người chứng minh được số tiền 5 triệu yen đó thì chị Hồng sẽ là chủ sở hữu thì mọi rắc rối bắt đầu phát sinh. Đó là sự xuất hiện lòng tham của một số người Việt xấu tính.

Đầu tiên là đám giang hồ bặm trợn đến xin chị Hồng tiền. Tiếp đến những kẻ trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên đến nhận bà con nghèo của chị Hồng để mong giúp đỡ. Cũng có kẻ khoác danh trí thức lấy danh nghĩa quan hệ Việt - Nhật đề nghị chị Hồng giao tiền cho hắn mang đi trả cho người Nhật. Rồi có kẻ khoác áo doanh nghiệp đến cắm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) xin vay lại số tiền đó. Rồi tự nhiên có bà Ngọt đến tự nhận tiền của chồng mình, người đến từ châu Phi... Trong 1 năm chờ xác minh “chính chủ”, chị Hồng gặp không ít phiền toái. Tất nhiên, sự thật luôn là sự thật nên cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, chị Hồng đã nhận được số tiền 5 triệu yen mà chị đã nhặt được. Sau khi làm từ thiện, chị Hồng đã tắt điện thoại và ẩn cư để tránh những phiền toái có thể xảy ra. Qua đó cho thấy lòng tham của một số người đã bất chấp tất cả để trục lợi cá nhân.

Lòng tham của một số người không chỉ dừng lại ở vụ 5 triệu yen mà còn thể hiện khắp nơi trong cuộc sống. Vì tham lam nên tiểu thương gian dối trong kinh doanh. Kẻ thì bơm tạp chất vào tôm, thuốc tăng trọng vào thịt heo, trái cây ngâm hóa chất để kiếm lời. Kẻ thì kinh doanh thực phẩm bẩn, tẩm hóa chất để bán bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Trồng rau thì dùng chất kích thích, bán hàng đa cấp thì lừa anh em, bạn bè mua hàng để hưởng lợi. Ra đường thấy đồ dùng của người khác sơ hở là chôm chỉa mang về làm của riêng. Thấy hàng xóm láng giềng hơn manh áo, tấm quần thì đặt điều xằng bậy hay tìm cách phá hoại...

Vụ cây dừa chết hàng loạt ở Sóc Trăng cũng do ghen ăn tức ở mà ra. Kẻ phá hoại thấy dừa hàng xóm xanh tốt, nên ra tay hủy hoại làm cho hàng trăm hộ trồng dừa ở đây thêm điêu đứng. Rồi những vụ chặt vườn cây của người khác, ăn cắp, ăn trộm đồ dùng của nhà khác... cũng do lòng tham mà ra. Người viết bài này cũng từng thấy có không ít những người làm cha mẹ dạy con trẻ về lòng tham như ở trường (mầm non) phải giành đồ chơi của bạn. Ở nhà thì dạy con nói dối qua lối sống của gia đình.

Nhiều nhà nghiên cứu về dân tộc học, về khoa học xã hội cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân làm xuất hiện lòng tham của con người. Bắt đầu từ nhu cầu của cuộc sống, của xu thế phát triển kinh tế, xã hội của quan hệ sản xuất... nhưng chung quy đều xuất hiện ở bản chất của con người thiếu giáo dục, thiếu văn hóa. Sự xuất hiện của lòng tham sẽ dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường như tham ô, tham nhũng, băng hoại về đạo đức...

Do vậy, truyền thống yêu nước thương nòi, mình vì mọi người đã được hun đúc qua hàng ngàn năm rất cần được củng cố và phát huy giá trị của nó. Đặc biệt là môi trường giáo dục cần phải đưa giá trị nhân văn của dân tộc ta vào giảng dạy ở các bậc phổ thông.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu