Thứ 6, 29/03/2024 22:01:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:21, 16/07/2016 GMT+7

Làm du lịch như hiện nay thì không thể phát triển được

Thứ 7, 16/07/2016 | 14:21:00 128 lượt xem
Chiều 15-7, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị định hướng phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một lần nữa, thực trạng ngành du lịch với nhiều yếu kém được mổ xẻ sâu sắc nhằm trả lời câu hỏi: Với thực tại hiện nay thì du lịch có trở thành ngành mũi nhọn được không?

Không được né tránh sự thật

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Chính trị sẽ nghe báo cáo đề án về phát triển ngành du lịch ngay trong năm 2016 này. Đề án do Chính phủ xây dựng, có ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cùng 10 tỉnh, thành trọng điểm về du lịch. “Đưa du lịch thành ngành trọng điểm là chủ trương từ nhiều năm trước, từ những năm 90. Đại hội Đảng XII tiếp tục xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề: Du lịch chúng ta chưa phát triển, vì sao? “Chúng ta không được né tránh sự thật, những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam chưa phát triển. Các bộ, ngành, địa phương phải nhìn thẳng vào thực  trạng, mổ xẻ nhiều vấn đề, thẳng thắn để tìm ra căn nguyên, đưa ra giải pháp để đề án thực sự chất lượng, từ đó Bộ Chính trị ra được Nghị quyết về phát triển du lịch”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Về dự thảo đề án, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các chỉ tiêu định lượng đã đạt và vượt so với mục tiêu: khách quốc tế đạt 7,94% triệu lượt so với mục tiêu 7-7,5 triệu lượt, khách nội địa đạt 57 triệu lượt so với mục tiêu 47-48 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 15,40 tỷ USD, so với mục tiêu 10-11 tỷ USD… Tuy nhiên, ngành du lịch còn nhiều hạn chế, hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch chưa cao, khách du lịch quốc tế còn thiếu thông tin về du lịch Việt Nam; hình ảnh nhận diện du lịch Việt Nam chưa thống nhất, thương hiệu du lịch Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao đối với khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, mức độ mở cửa quốc tế còn thấp: Việt Nam xếp hạng 89 về mức độ mở cửa quốc tế, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, sau hầu hết các nước ASEAN.

Theo định hướng phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sẽ thể hiện được vai trò nổi trội so với các ngành kinh tế khác: đóng góp lớn vào nền kinh tế, thúc đẩy sự dịch chuyển quốc gia... Du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP, tổng giá trị đóng góp (cả gián tiếp và lan tỏa) khoảng 20% GDP cả nước; giá trị xuất khẩu từ dịch vụ du lịch chiếm 15% giá trị xuất khẩu và trên 70% giá trị xuất khẩu dịch vụ. Mục tiêu của ngành du lịch là phấn đấu đến năm 2020 thu hút 14-15 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 12%-14%/năm trong giai đoạn 2015-2020, tổng thu từ khách du lịch đạt 29-32,5 tỷ USD, tạo ra 3,5 triệu việc làm.

Phát triển du lịch bền vững

Tại hội nghị, ý kiến đến từ các tỉnh, thành trọng điểm về du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Quảng Ninh, Cần Thơ, Hải Phòng... đều cho rằng Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, nhiều di tích lịch sử, có tiềm năng để phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn, nhưng hiện nay chưa làm được bao nhiêu. Nhiều đề xuất thành lập sở du lịch ở những tỉnh, thành trọng điểm về du lịch. Đặc  biệt, TPHCM đề nghị thí điểm cảnh sát du lịch ở một số địa phương.

Theo kết quả khảo sát mới đây, tuy khách du lịch quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng nhưng  số du khách quay lại chỉ chiếm khoảng 6%. Tương tự, khách nội địa có 39% đến thăm lần đầu, 24% đến thăm lần thứ hai và chỉ có 13% đến thăm lần thứ 3. Những yếu kém triền miên của du lịch Việt Nam làm cho khách không muốn trở lại. “Tại sao lại vậy”. Phải làm rõ, không thể nói khơi khơi, phải làm rõ chúng ta có gì, làm gì để du khách quay lại lần 2? Nếu làm du lịch như hiện nay thì không bao giờ phát triển được”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu hoàn thiện đề án một cách sâu sắc, bảo đảm quan điểm: du lịch phải như các ngành kinh tế khác, tuân theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, có liên kết chặt chẽ giữa các vùng, các ngành, nhất là văn hóa-du lịch, tránh tình trạng tổ chức lễ hội chỉ để tiêu tiền nhà nước. “Khách du lịch đến Việt Nam sợ nhất là nạn chặt chém, ô nhiễm môi trường”, Phó Thủ tướng chỉ ra và yêu cầu phải xây dựng bằng được những điểm du lịch mà du khách phải đến khi tới Việt Nam. Phát triển du lịch theo hướng ngành mũi nhọn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng, nhưng phải bền vững. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu phải đầu tư hạ tầng du lịch, nâng chất lượng phục vụ thế nào để du khách cảm thấy hài lòng. Đồng thời, khai thác hết được tiềm năng du lịch của chúng ta, điều đó đòi hỏi chất lượng phục vụ phải tốt.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
89918

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu