Thứ 5, 25/04/2024 00:54:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:45, 19/10/2018 GMT+7

Làm gì để ngăn chặn “tham nhũng vặt”?

Thứ 6, 19/10/2018 | 08:45:00 116 lượt xem

BP - Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17-10 có nội dung: “Cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm, nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính...”.

Bình Phước thì sao? Tại buổi làm việc với đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương sáng 16-10, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thẳng thắn: “Tuy không xảy ra các vụ tham nhũng lớn như các địa phương khác nhưng Bình Phước vẫn tồn tại loại tham nhũng vặt, nhũng nhiễu trong cán bộ khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Theo kết quả phân tích dữ liệu thống kê chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2017 (chỉ số PAPI 2017) về tham nhũng trong khu vực công theo trải nghiệm của người dân, tỷ lệ người cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 23% năm 2016 còn 17% năm 2017 và tỷ lệ người cho biết họ đã hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện, quận giảm từ 17% năm 2016 còn 9% năm 2017. Tuy nhiên, mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng gia tăng. Mức tiền bị vòi vĩnh trung bình buộc người trả lời phải tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức địa phương năm 2017 là 27,5 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với mức tiền trung bình năm 2016. Điều này cho thấy, “tham nhũng vặt” tuy không gây tổn hại lớn về kinh tế nhưng làm người dân và doanh nghiệp mất lòng tin vào hệ thống cơ quan công quyền.

Hiện “tham nhũng vặt” tập trung chủ yếu ở những hình thức như “lót tay” để xin việc, bệnh nhân hoặc người nhà bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên y tế, phụ huynh bồi dưỡng giáo viên... Nguyên nhân làm “tham nhũng vặt” không suy giảm là do phần lớn người nhận tham nhũng không phải chịu một hậu quả nào, thậm chí họ còn coi những đồng nghiệp khước từ “tiền bồi dưỡng” là người gàn dở, đạo đức giả. Trong khi người dân hoặc doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công thường có tâm lý cam chịu, chấp nhận bỏ một ít tiền cho được việc còn hơn đứng ra tố cáo. Bởi họ cho rằng, tố cáo vừa mất thời gian, vừa không giải quyết được việc, thậm chí còn hỏng việc. Tâm lý này đã khiến nhiều người tặc lưỡi bỏ qua khi chứng kiến sai phạm. Qua đó tạo thói quen tham lam cho cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa. Dần dà họ sẽ tạo ra những vụ tham nhũng lớn hơn.

Thực tế, “tham nhũng vặt” thường chỉ được phát hiện thông qua tố giác của người dân, doanh nghiệp hoặc qua báo chí chứ không được phát hiện qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức. Mặt khác, xử lý “tham nhũng vặt” cũng khó hơn so với các đại án tham nhũng, bởi nó chỉ xảy ra ở một khu vực nhỏ và diễn ra ở mọi ngóc ngách với nhiều hình thức khác nhau.

Để ngăn chặn tình trạng này, giải pháp hiệu quả vẫn là các cơ quan, tổ chức đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm trong sắp xếp bộ máy gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương trong thực thi công vụ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nhất là phải xử lý nghiêm và triệt để các trường hợp vi phạm.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu