Thứ 5, 18/04/2024 10:46:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 11:15, 05/11/2013 GMT+7

Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng

Thứ 3, 05/11/2013 | 11:15:00 288 lượt xem

Với 5,5 ha đất, gia đình ông Dương Có ở thôn Bình Hiếu, xã Bình Tân (Bù Gia Mập) đang sở hữu một mô hình trang trại tổng hợp gồm: Cây ăn trái, cao su, tiêu, điều, ao nuôi cá và khu chăn nuôi heo. Mô hình này đã mang lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng...


Chăm sóc vườn cây đúng kỹ thuật, giúp gia đình ông Có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, ông Có cho biết: Trước đây ông làm việc tại Nông trường 5, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Năm 2008, ông xin nghỉ việc và trở về làm giàu trên chính mảnh vườn nhà mình. Cùng với 0,5 ha đất trồng điều của gia đình, năm 2009 ông mua thêm 5 ha đất bên cạnh để đầu tư phát triển mô hình vườn - ao - chuồng. Hiện tại, gia đình ông có 2,5 ha cao su, hơn 1,2 ha tiêu, 1 ha điều và cây ăn trái, còn lại là diện tích mặt ao và khu chăn nuôi heo.

Năm 2010, ông Có đã đầu tư hơn 20 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tiêu cho vườn cây (mua ống dẫn nước, đắp đập và khoan giếng). Nhờ đó diện tích cây trồng luôn được cung cấp nước đầy đủ. Ông không ngại lặn lội đi tham quan các mô hình trồng tiêu, cao su thành công ở huyện Lộc Ninh để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tìm đọc sách hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu, cao su... và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do xã tổ chức. Vụ tiêu vừa qua, gia đình ông thu hoạch được hơn 1 tấn, với giá bán 117 ngàn đồng/kg, lãi 100 triệu đồng. Riêng cao su, mặc dù xuống giá so với những năm trước nhưng nhờ cách chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, vườn cao su luôn cho sản lượng và độ mủ cao. 2,5 ha cao su mỗi năm cho thu nhập trung bình 150 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Vườn cây ăn trái gồm sầu riêng, bơ, thơm... đã cho quả bói.

Ngoài đầu tư cho vườn cây, ông Có còn dành hơn 100 triệu đồng để xây chuồng nuôi heo và đào ao thả cá (chủ yếu cá rô phi và cá trê). Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình không thuận lợi, cá thả đến đâu chết đến đó, những lứa heo đầu tiên cũng thất thu. Rút kinh nghiệm từ những thất bại ban đầu, ông Có áp dụng khoa học - kỹ thuật một cách bài bản hơn. Ông tính toán thời điểm thả cá phù hợp nên tránh được dịch bệnh và đầu tư xây tách chuồng heo. Đến nay, gia đình ông có 12 chuồng nuôi 5 con heo giống, 28 heo thịt và heo con. Những lứa heo con chủ yếu cung cấp giống cho người dân trong thôn hoặc nuôi bán thịt. Hàng năm, từ nuôi heo và cá, gia đình ông thu gần 80 triệu đồng. Nuôi heo còn giúp gia đình ông có lượng phân hữu cơ để bón cho cây trồng, tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể.

Từ mô hình kinh tế kết hợp, ông có điều kiện lo cho con ăn học, đồng thời tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên và 7 lao động thời vụ với mức lương từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Có cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm, gia đình sẽ mở rộng thêm 1 ha bơ xen điều, tiêu và 1 ha thơm xen trong vườn cao su.

Bà Lê Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tân cho biết: Ông Dương Có là một bí thư chi bộ gương mẫu và nhà nông giỏi. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Có còn đi đầu trong các phong trào từ thiện của địa phương. Ông sẵn sàng giúp đỡ các gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng cách cho vay vốn, con giống và hỗ trợ kỹ thuật. Ông là điển hình để xã giới thiệu làm gương cho các hội viên nông dân.  

                                                                                                                                                         Thùy Hương

  • Từ khóa
39388

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu