Thứ 6, 29/03/2024 02:52:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:25, 25/12/2018 GMT+7

Làm giàu từ nuôi heo rừng Thái Lan

Thứ 3, 25/12/2018 | 10:25:00 1,192 lượt xem
BP - Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chơn Thành kinh tế khá lên từ chăn nuôi. Trong đó, nuôi heo rừng Thái Lan của hộ chị Hoàng Thị Tuệ (1974) ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện cuộc sống gia đình.

Sau khi tìm hiểu thực tế và trong dịp nghỉ hè, chị Tuệ tranh thủ đi tham quan một số mô hình kinh tế giỏi, nhất là nuôi gà, heo ở trong và ngoài tỉnh. Chị Tuệ đã bàn với chồng và chọn nuôi heo rừng Thái Lan để phát triển sản xuất.

Chị Hoàng Thị Tuệ cho heo ăn lá chuối

Sẵn có đất vườn, gia đình chị vay hơn 800 triệu đồng đầu tư xây 6 dãy chuồng nuôi. Được bạn bè giới thiệu, hè năm 2016, chị ra tận Hà Nội tìm đến các công ty chuyên chăn nuôi giống heo rừng Thái Lan thuần chủng để mua 50 con heo giống, giá 250 ngàn đồng/kg heo hơi, với tổng gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi heo, khu ủ thức ăn, nhà nuôi trùn quế làm thức ăn cho heo. Như vậy, tổng vốn đầu tư cho mô hình này hết gần 2 tỷ đồng. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, mỗi ngày sau khi hết giờ làm việc ở cơ quan, chị tranh thủ cùng chồng chăm sóc đàn heo. 

Chị Tuệ cho biết: “Giống heo rừng Thái Lan thuần chủng có nhiều ưu việt như sức đề kháng cao, ít tốn công chăm sóc, chuồng trại đơn giản, chi phí chăn nuôi thấp nhưng đầu ra ổn định. Mỗi năm heo sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con. Heo con sinh ra có trọng lượng 0,6-0,9kg/con. Đây là giống rất dễ nuôi, sức sống tốt, tốn ít thức ăn, thời gian nuôi ngắn, sinh sản tốt”.

Sau hơn 2 năm học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi heo, đến nay chị đã có trại heo rừng Thái Lan với quy mô khép kín. Khu chuồng nuôi chia thành 6 dãy, xung quanh trồng rất nhiều loại chuối vừa tạo bóng mát vừa cung cấp thức ăn hằng ngày cho heo. Bên cạnh đó, chị còn xây 8 bể (kích thước 2 x 5m) để tận dụng phân heo nuôi trùn quế, mỗi tháng chị thu từ 50-70kg trùn quế để chế biến thức ăn cho heo. Ngoài ra, chị còn bán giống trùn quế và trùn quế cho những hộ chăn nuôi gà, vịt với giá khoảng 150 đồng/kg. Chị Tuệ cho biết thêm: “Để heo phát triển tốt, mạnh khỏe, sau khi sinh, heo con được tiêm vắc-xin đầy đủ và có sổ ghi chép, theo dõi. Bên cạnh đó, gia đình chị đầu tư hệ thống ủ thức ăn, kết hợp từ cám gạo, cá, mật mía... và men vi sinh. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, ngoài xây hầm biogas, chất thải của heo đưa vào sản xuất trùn quế và chất thải từ trùn quế được ủ làm phân bón cho cây chuối, mít trong vườn”.

Với 50 con heo nái nên lúc nào trang trại của gia đình chị cũng có hàng trăm heo con. Đa số heo thương phẩm được bán cho công ty thu mua theo hợp đồng ký kết. Chỉ tính trong năm 2018, chị bán ra thị trường gần 200 con heo rừng giống (mỗi con khoảng 18-25kg) với giá 120 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, chị thu hơn 120 triệu đồng và khoảng 200 triệu đồng từ bán heo thương phẩm. Từ trang trại nuôi heo, chị đã có chuỗi sản xuất liên kết là nuôi trùn quế lấy thức ăn cho heo và gà, vịt, thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán gà, vịt, trùn quế. 

Chị Nguyễn Kim Ngân, Phó chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành cho biết: Mô hình chăn nuôi khép kín của gia đình chị Tuệ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm đầu ra được công ty ký kết bao tiêu. Sắp tới, hội sẽ làm đầu mối liên kết giữa gia đình chị Tuệ với các hộ nông dân ở thị trấn để hỗ trợ kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra từ phía công ty, qua đó mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Tiến Công

  • Từ khóa
43699

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu