Thứ 7, 20/04/2024 10:02:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:44, 06/07/2017 GMT+7

Làm ơn mắc oán

Thứ 5, 06/07/2017 | 14:44:00 2,179 lượt xem

BP - “Chuyện đời xưa” của Trương Vĩnh Ký là một trong những quyển sách bán chạy nhất của không chỉ riêng ông mà còn của cả chế độ phong kiến thời nhà Nguyễn. Theo các tài liệu còn lưu giữ đến ngày nay cuốn sách này đã được in lại nhiều lần. Và đến năm 1914, cuốn sách đã được tái bản lần thứ 9.000. Tại sao quyển sách mỏng này lại có sức hấp dẫn như vậy? Câu trả lời nằm ở nội dung của những câu chuyện và cách trình bày của nhà văn. Và câu chuyện “Làm ơn mắc oán” dưới đây được trích trong cuốn sách này là một minh chứng.

Minh họa: S.H

Chuyện kể lại rằng vào một ngày kia, con beo buồn bắt đàn khỉ võng đi dạo sơn thủy chơi (chỉ việc quan lại có quyền bắt dân phục dịch), thình lình nghe tiếng chó sói đi săn. Khỉ, cái nghiệp nó nghe giớn giác, nghe động thất rừng kinh, quăng võng, leo lên cây ngồi hết. Còn con beo cong lưng chạy miết. Chó sói cứ rượt mãi.

Con beo túng nước sợ có khi nó bắt được, may đâu gặp một ông già, theo lạy lục xin ông già cứu, ông già không biết làm làm sao (cách nói xưa, nay nói không biết làm sao), mới mở cái đãy (cái túi), ổng biểu nó chun vô rồi thắt lại và vác trên vai mà đi. Chó sói chạy tới thấy đâu mất đi, mới hỏi thăm ông già. Ông già nói không có thấy. Chó sói đành bỏ về hang.

Ông già đi được một đỗi xa xa, rồi mở miệng đãy thả con beo ra. Con beo phần thì mệt, phần thì đói bụng quá chừng, nó đòi ăn thịt ông già. Thấy vậy, ông già liền nói: Tao làm ơn cứu mầy cho khỏi miệng chó sói, mà mầy đòi ăn thịt ta sao? Con beo nói: Cứu gì ông bỏ tôi vô đãy ngộp không thở được, thiếu một chút nữa chết còn gì? Bây giờ đói bụng quá, phải ăn mới xong. Nghe thế, ông già lại nói: Thôi thì đi hỏi rõ nguyên nhân, chứng cớ cho hẳn hòi rồi sẽ ăn.

Vậy tới chòm cây cao lớn, dắt nhau lại hỏi, thì cây nói: Người ta là giống bất nhơn, ăn nó đi để làm chi? Mấy tôi (chúng tôi) hằng giúp nó làm nên lương đống (cột kèo) cửa nhà, mà nó còn lấy búa, lấy rìu nó chặt, chém chúng tôi hoài. Ơn ngãi gì mà để? Ăn nó đi. Con beo nói: Đó, còn từ chối gì nữa? Nó xốc lại và nó đòi ăn.

Khi ấy, ông già lại nói: Cây cối biết gì? Nói vậy chưa đủ tin. Dắt nhau đi tới nữa, gặp một bầy trâu già. Con beo lại hỏi có nên ăn đi hay không, thì trâu nói: Chúng tôi làm đầy tớ nó già đời (cả đời), cày bừa, làm ruộng cho có lúa gạo cho nó ăn cho no, đến khi chúng tôi chết rồi, nó còn phân thây, xẻ thịt, cái xương thì làm vạch (dụng cụ của thợ may), da thì bịt trống, đóng giày, đóng dép, cứt thì làm phân, không có biết công ơn chúng tôi chút nào, huống gì là anh? Ăn nó đi là đáng lắm.

 Con beo lại đòi ăn ông già, nhưng ông già nói: Lục súc vô đồ cũng chưa có chắc. Lời tục ngữ có nói rằng: Sự bất quá tam (chuyện gì cũng không xảy ra quá ba lần). Xin mầy để hỏi một lần nữa, rồi mầy hãy ăn tao cho đáng số tao (ý chỉ cho đáng kiếp, đáng đời tao vì đã cứu kẻ vong ơn như mầy).

Dắt nhau đi nữa, một đỗi đàng khá xa, mới gặp một người con trai đi đường, đứng dừng lại hỏi thì người con trai biểu nói gốc tích lại ban đầu (kể lại từ đầu) cho nó nghe. Nghe biết rồi mới nói: Nào con beo hồi đầu mầy thâu mình lại mà chun vô đãy ông già làm sao, thì làm lại coi thử, rồi hãy ăn thịt ông già. Con beo chun vô rồi, thì nó thắt miệng đãy lại, vô bẻ cây đập con beo chết đi và vừa đánh vừa dặn: Mầy vô ơn bạc ngãi với kẻ làm ơn cứu mầy, thì tội mầy đập chết đi, thì đáng lắm.

Lấy đó mà xét: Ở đời biết là mấy người bạc tình (kẻ ở không có tình cảm, vô ơn, bội tình), đặng chim bẻ ná, đặng cá quên nơm? Chẳng những là bội ơn mà thôi, mà lại dĩ ơn báo oán (mang ơn người nhưng đáp trả lại bằng oán cừu) nữa. Mấy người làm vậy bụng dạ vạy vò (cong queo, không ngay thẳng), chẳng người thì trời cũng hại nó đi có thuở (có lúc cũng bị trời hại). Hễ làm lành thì gặp lành, mà làm dữ thì gặp dữ, chẳng chầy thì kíp, chạy đàng trời không khỏi. Làm ơn mắc oán là lẽ sự thường. Nhưng vậy ơn cũng chẳng mất đi đâu, làm sao cũng sẽ trả, chẳng người nầy thì người khác, chẳng thế nầy thì thế khác. Nên ai nấy cứ làm lành thì sẽ gặp lành.

Lời bàn:

Quả đúng là nội dung của câu chuyện cùng cách dẫn dắt người đọc của Trương Vĩnh Ký là câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi: Tại sao quyển truyện mỏng này lại có sức hấp dẫn như vậy? Hơn thế nữa, thông qua nội dung câu chuyện với những con vật được nhân cách hóa, Trương Vĩnh Ký đã giáo dục người đương thời về luân lý, về đạo đức và lối sống ở đời. Người đọc không cần phải suy nghĩ nhiều cũng dễ dàng nhận ra bài học có ích cho bản thân mình về cách sống ở đời, cách xử thế, ứng xử trong mọi tình huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, không vội cả tin...

Đặc biệt là với lối viết như kể bằng chất giọng và ngôn ngữ hoàn toàn dân dã, gần gũi với đời sống thường nhật của người dân vùng nông thôn nên cuốn sách được người đương thời đón nhận một cách hứng khởi là vì lẽ đó. Và cũng vì tác giả đã khéo léo diễn đạt cho người đọc, người nghe thấy được cuộc sống với những sinh hoạt thường ngày của người dân Nam bộ cuối thế kỷ XIX. Chính vì thế cuốn sách “Chuyện đời xưa” của ông vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc vừa là những tư liệu về xã hội đương thời.

N.D

  • Từ khóa
109931

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu