Thứ 6, 19/04/2024 08:17:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:34, 06/06/2015 GMT+7

“Lạm phát” học sinh giỏi...

Thứ 7, 06/06/2015 | 09:34:00 98 lượt xem
BP - Năm học 2014-2015 đã khép lại với vô vàn niềm vui chung cho thầy cô giáo, học sinh, các bậc phụ huynh và những người làm công tác quản lý giáo dục, vì bảng thành tích học tập của các em thật ấn tượng. Theo đánh giá chung của giới chuyên môn, năm học này là một năm “đầy” thắng lợi đối với ngành giáo dục, bởi lượng học sinh giỏi tăng cao dù ngành giáo dục đã nói không với bệnh thành tích từ lâu.

Vậy, thành tích học tập của học sinh, thành quả giáo dục của thầy cô giáo trong năm học vừa qua tăng cao có thực sự đáng được tự hào? Hay đây là sự lạc quan tếu của ngành giáo dục khi bảng thành tích học tập được thể hiện qua tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh khá... Còn các em học sinh có thẩm thấu được nội dung bài học hay không là chuyện khác khi báo cáo tổng kết năm học chưa bàn tới.

Trước kỳ nghỉ hè, các trường ở thị xã Đồng Xoài tổ chức họp phụ huynh học sinh để thông báo kết quả học tập của con em trong năm, kế hoạch rèn luyện hè. Nhiều vị đi họp cho con ban đầu cứ lấm la lấm lét vì sợ cô, thầy giáo chủ nhiệm than phiền vì con em mình. Vì sức học của các cháu đến đâu họ biết, nhưng vì con em nên cố gắng đi họp. Kết quả, trong và sau cuộc họp phụ huynh ai nấy đều hớn hở vui như dự hội vì con mình được khen học tốt, thành tích cao. Lớp có 45 em thì học sinh giỏi đạt 75%, học sinh khá 22%, số còn lại là trung bình. Có lớp cũng 45 em học sinh thì có tới 42 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, còn lại 3 em là học sinh khá. Cũng có lớp 45 học sinh nhưng chỉ có 1 học sinh là không có giấy khen dù điểm tổng kết cả năm trên 7 điểm, số còn lại là khá và giỏi. Nghe thông báo thành tích học tập, cũng có nhiều vị phụ huynh tưởng mình mơ ngủ nên hỏi lại, giáo viên chủ nhiệm cho hay: Qua học kỳ hai các em đã có sự cố gắng vượt bậc nên điểm tổng kết năm được nhân lên.

Nhiều vị phụ huynh ra về ấm ức: “Cố cười cho vui với mọi người chứ trong lòng chúng tôi biết đó là điều không thể. Bởi sức học của con mình đến đâu chúng tôi biết. Nếu cố gắng lắm thì học lực của cháu cũng chỉ ở mức trung bình, nay đạt danh hiệu học sinh giỏi thì không biết ở đâu ra...” Một chị phụ huynh cho hay: “Chẳng biết học hành kiểu gì nhưng con tôi liên tục đi học thêm ở nhà của các giáo viên bộ môn. Đến kỳ thi, cô giáo cho bộ đề cương cùng lời giải về học thuộc lòng để đi thi và sau khi thi xong là quên hết kiến thức”... Chị này còn kể về đứa con trai học lớp 6 và cho biết trong đề cương ôn thi môn Lịch sử có nói về Nhà nước Văn Lang. Nhưng chị hỏi con về Quốc hiệu đầu tiên của nước ta là gì thì thằng bé lắc đầu không biết.

Một số người tâm huyết với nghề sư phạm than thở: “Cách đây vài ba chục năm ở khối cấp một, chúng tôi được học rất bài bản, học môn nào theo trình độ cấp đó. Hàng tháng có các cột điểm nhưng kiểm tra bài cũ, bài 15 phút, bài một tiết, điểm phát biểu. Cuối tháng, cô giáo cộng các cột điểm chia bình quân để xếp thứ hạng trong lớp. Việc xếp thứ hạng vừa là thước đo sức học của học sinh, đồng thời vừa là động lực để các em vươn lên. Nay tất cả đều vo tròn một cục điểm vào kỳ thi cuối kỳ, cuối năm là xong. Vì vậy, đến kỳ thi, nhiều gia đình dồn sức chăm con học, dồn tiền cho đi học thêm giải đề nên chuyện lạm phát học sinh giỏi vào kỳ cuối năm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc lạm phát này nên vui hay nên buồn, dư luận đã có lời giải nhưng những nhà hoạch định giáo dục, nhà quản lý ngành chưa có đáp án nên vấn đề đổi mới giáo dục ở nước ta chưa có nhiều khởi sắc. 

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu