Thứ 5, 28/03/2024 21:23:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 11:32, 26/01/2018 GMT+7

Lễ tuyên dương học sinh giỏi; tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc; trí thức tiêu biểu, các mô hình học tập năm 2017

Lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài

Thứ 6, 26/01/2018 | 11:32:00 949 lượt xem
BP - Học tập suốt đời, học tập thường xuyên, học tập cho mọi người, mọi người học tập là nội dung cốt lõi của xã hội học tập mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng. Thực tế cho thấy, ở đâu có phong trào khuyến học, khuyến tài tốt thì ở đó việc tổ chức dạy, học trong và ngoài nhà trường, việc chăm lo học tập, rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên sẽ gặp nhiều thuận lợi; có điều kiện để người lớn tuổi học tập, góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội.

>> Những thành tích ấn tượng ở THPT chuyên Bình Long

Những năm qua, tỉnh Bình Phước là một trong những địa phương có phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và toàn diện. Trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng mô hình xã hội học tập hiện thực, là giai đoạn mới của công tác khuyến học, khuyến tài.

ĐẨY MẠNH KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI

Toàn tỉnh hiện có 1.092 chi hội khuyến học, với tổng hội viên 172.738, đạt 18,1% số dân. Năm qua, hội khuyến học các cấp đã phối hợp với ngành GD-ĐT, tham mưu UBND và Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập lập kế hoạch triển khai, nhân rộng và đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn, ấp, tổ dân phố và kế hoạch thí điểm đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập cấp xã, giai đoạn 2016-2020”, trong năm 2018 sẽ tiếp tục triển khai đại trà. Năm 2017, toàn tỉnh đã công nhận 74.236 gia đình học tập, 99 dòng họ học tập, 693 cộng đồng học tập và 29 cộng đồng học tập cấp xã. Những con số đã nêu thể hiện sự cố gắng rất lớn của tổ chức khuyến học từ cơ sở đến cấp tỉnh. Những gia đình, dòng họ, cộng đồng tiêu biểu trong học tập sẽ được nhân rộng, lan tỏa trong các khu dân cư.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm và Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Nguyễn Thị Lan Hương trao giấy chứng nhận tôn vinh các trí thức trẻ tại lễ tuyên dương tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp xuất sắc năm 2016 - Ảnh: Sỹ Hòa

Song song với khuyến học, công tác khuyến tài cũng đang trở thành phong trào thi đua và phát triển rộng khắp toàn tỉnh. Đến nay, đội ngũ trí thức tỉnh Bình Phước đã tăng đáng kể, là lực lượng nòng cốt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng. Hằng năm, số học sinh giỏi, xuất sắc và đạt các giải thi quốc gia, quốc tế đều tăng. Các trường chuyên của tỉnh luôn đứng top đầu cả nước về chất lượng và thành tích học tập. Hiện toàn tỉnh đã có hàng trăm lượt học sinh, sinh viên và trí thức tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng.

ĐỘNG LỰC CHO HỌC SINH VƯƠN LÊN

Để công tác khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội thì việc xây dựng quỹ là rất quan trọng. Nhờ có nguồn quỹ này đã kịp thời động viên học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên học tốt; là nguồn động lực to lớn đối với những em hoàn cảnh khó khăn. Nhờ được sự hỗ trợ về vật chất, tỷ lệ học sinh bỏ học, nhất là ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm đáng kể. Được Quỹ khuyến học, khuyến tài tặng học bổng sẽ thôi thúc các em vươn lên thực hiện ước mơ, hoài bão tuổi trẻ; phát huy tài năng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Hiện nay, tất cả huyện, thị xã đã có quỹ khuyến học, khuyến tài và hằng năm đều tổ chức trao học bổng cho học sinh vượt khó, hiếu học trước ngày khai giảng năm học mới.

Trong năm 2017, số tiền học bổng trao tặng học sinh tại các huyện, thị đạt gần 2,5 tỷ đồng. Cùng với đó, quỹ khuyến học của Tỉnh hội và một số nhà hảo tâm đã trao 270 suất học bổng với số tiền 190 triệu đồng. Đặc biệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phối hợp với Hội Khuyến học, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ trao học bổng “Tiếp sức cho em đến trường” với 776 suất, tổng 1 tỷ 238 triệu đồng. Riêng quỹ khuyến học, khuyến tài của các công ty cao su đã trao tặng học sinh, sinh viên đạt hàng chục tỷ đồng. Các hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa nhân văn của Quỹ khuyến học, khuyến tài đã tích cực nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần làm nên vị thế mới của giáo dục Bình Phước.

Năm 2017, toàn tỉnh có: 145 học sinh giỏi, xuất sắc; 5 trí thức tiêu biểu; 40 cán bộ học tập nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt loại giỏi, xuất sắc; 22 mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu được đề nghị tuyên dương, khen thưởng. Tại lễ tuyên dương hoạt động khuyến học, khuyến tài lần này cũng sẽ tri ân 16 tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh trong nhiều năm qua.

Những kết quả đạt được của Hội Khuyến học tỉnh thời gian qua rất đáng trân trọng, góp phần tích cực đưa nền giáo dục của tỉnh lên một tầm cao mới. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi, tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp xuất sắc, trí thức tiêu biểu năm 2017 cũng là dịp tuyên dương những mô hình học tập tiêu biểu, đồng thời tri ân các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Dương Văn Tải, Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, điểm nổi bật nhất của công tác khuyến học trong năm qua là đã triển khai, nhân rộng, đánh giá và công nhận mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn, ấp và cấp xã. Những mô hình này đã gắn bó mật thiết với các phong trào ở cơ sở như xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Đặc biệt hiện nay, tại các khu dân cư đang khởi động lại chương trình “Heo đất khuyến học”, “Quỹ khuyến học gia đình”...

Việc xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài ở các cấp hội rất đa dạng, phong phú và đạt kết quả cao, góp phần động viên học sinh vượt khó, học giỏi và phần nào chia sẻ bớt khó khăn với học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cắp sách đến trường. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm học tập cộng đồng; nhà văn hóa, câu lạc bộ ở cấp xã; nhiều thư viện hoặc tủ sách các thôn, ấp, xã... đã được xây dựng với sự chung tay, góp sức của Hội Khuyến học, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng, làm thay đổi diện mạo đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Hà Thanh

  • Từ khóa
87474

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu