Thứ 6, 29/03/2024 03:06:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:30, 27/02/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 64 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27-2-1955 - 27-2-2019)

Lặng thầm những bác sĩ gây mê hồi sức

Thứ 4, 27/02/2019 | 06:30:00 1,714 lượt xem
BP - Những người phụ trách việc gây mê trong các bệnh viện hằng ngày vẫn thực hiện tốt công việc lặng thầm nhưng hết sức quan trọng. Họ phải phối hợp thuốc mê với hàng loạt loại hóa chất khác tùy từng trường hợp: thuốc giãn cơ, vận mạch, co mạch, giãn mạch, tăng co bóp cơ tim... để ca mổ thành công. Bởi thiếu một chút thuốc hoặc thừa một chút thuốc, bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng.

Thông thường, kíp gây mê luôn thường trực cả trước, trong và sau mỗi ca mổ. Điều dưỡng phụ gây mê là người chịu trách nhiệm toàn bộ về phương tiện, dụng cụ, thuốc men và đường truyền, máy theo dõi để phụ giúp bác sĩ gây mê. Còn bác sĩ gây mê là người chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình, tức các quyết định về kỹ thuật gây mê, thủ thuật trên người bệnh. Mọi thông tin liên quan đến chức năng sống của bệnh nhân đều phải được thăm khám và tìm hiểu kỹ.

Các y, bác sĩ gây mê hồi sức luôn tận tâm với công việc của mình

Mấy chục năm gắn bó với việc gây mê hồi sức, bác sĩ chuyên khoa I Trần Thế Truyền, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện đa khoa tỉnh là người rất “mát tay”. Bởi đến nay anh chưa để xảy ra sai sót nào trong thực hiện công việc chuyên môn. Bác sĩ Truyền cho biết: Làm bác sĩ gây mê là nghề đi trước về sau trong mỗi ca phẫu thuật, công việc của chúng tôi luôn lặng thầm.

 Trong mỗi ca phẫu thuật, ê-kíp gây mê phải vào trước ít nhất 40 phút để làm các bước như đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ và các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân. Xong xuôi, khi bệnh nhân đã có được “giấc ngủ ngon” thì lúc đó mới đến bác sĩ phẫu thuật. “Trong suốt quá trình giải phẫu, ê-kíp gây mê vẫn phải làm việc, túc trực để tiêm thuốc, truyền dịch, dõi theo máy đo các chỉ số dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, duy trì chức năng hô hấp, ứng phó với những trường hợp xấu có thể xảy ra như: chảy máu, rối loạn huyết động, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ...” - bác sĩ Truyền cho biết.

Sau ca mổ, các phẫu thuật viên có thể tháo găng, nghỉ ngơi nhưng ê-kíp gây mê vẫn tiếp tục nhiệm vụ, hỗ trợ bệnh nhân thoát mê và có thể từ từ thở tự nhiên không phụ thuộc máy thở. Đây được coi là giai đoạn 2 của quá trình điều trị, giúp bệnh nhân hồi sức và giảm đau sau mổ. “Sau mổ là giai đoạn bệnh nhân rơi vào trạng thái yếu nhất, chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi biến đổi nhỏ về chỉ số nhịp tim, huyết áp của người bệnh cũng phải hết sức thận trọng. Bác sĩ gây mê phải tiên lượng được lượng thuốc gây mê cho bệnh nhân để ca phẫu thuật an toàn. Đánh giá tình trạng bệnh nhân không có bất kỳ công thức nào mà phải có sự nhạy cảm và kinh nghiệm làm nghề” - bác sĩ Truyền nói.

Hiện nay, với những tiến bộ của y học, gây mê hồi sức cũng đã thuận tiện hơn, vậy nhưng máy móc không thể thay thế hoàn toàn được con người. Vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ gây mê hồi sức luôn phải nỗ lực trong chuyên môn, nghiệp vụ, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót trong từng ca phẫu thuật. “Nghề nào cũng có cái hay, cái khó, khi mình đã chọn thì phải tận tâm, tận lực, phải coi tính mạng người bệnh lên trên hết”. Trải lòng của bác sĩ Truyền càng tô đẹp thêm hình ảnh “người chiến sĩ áo trắng”, những thầy thuốc gây mê hồi sức luôn thầm lặng góp phần không nhỏ để mang lại hạnh phúc cho mọi người...

Hưng Cát

  • Từ khóa
1504

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu