Thứ 7, 20/04/2024 17:37:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:12, 20/12/2014 GMT+7

Làng vó trên sông Sài Gòn (bài cuối)

Thứ 7, 20/12/2014 | 07:12:00 227 lượt xem

>> Bài 1: Khám phá nghề quay vó

BP - Vào đầu mùa mưa, những người quay vó khá bận rộn, vì đây là chính vụ đánh bắt cá. Mỗi gia đình trong nghề thường có 2 chiếc vó, mỗi ngày bắt được 2-3 tạ cá. Cá trên sông Sài Gòn nổi tiếng thịt thơm ngon, nên vó cất lên được bao nhiêu thương lái đến thu mua hết bấy nhiêu.

Một ngày sống cùng làng nghề

QUAY VÓ AO ƯỚC GẶP... SƠN ĐÀI

Gắn bó với nghề quay vó đã hơn 10 năm, anh Nguyễn Thanh Hải (Hải hói) ở ấp 9 (xã Tân Hiệp) rất quen thuộc với con nước lên xuống và đường đi của con cá trên sông. Anh Hải chia sẻ: “Cứ vào đầu mùa mưa, cá từ lòng hồ Dầu Tiếng ngược dòng, bơi lên các nhánh sông kiếm mồi và sinh sản. Đây là thời điểm chúng tôi cất cá hái ra tiền”.

Một góc chợ cá ở Tân Hiệp

Theo kinh nghiệm của những người trong nghề, đêm hoặc khi trời mưa là lúc cá, tôm đi kiếm mồi nhiều hoặc tìm con nước để sinh sản. Vì vậy, dù đêm hay mưa gió, người làm nghề vẫn miệt mài với công việc. Đối với những người không có đất gần bên sông, họ phải mượn hoặc thuê đất để dựng chòi quay vó. Một số khác dựng chòi ngay trên lòng hồ đặt máy quay vó và đây cũng là nơi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của chủ vó.

Khi cất vó lên, người thợ biết ngay có cá hay không. Nếu có cá, họ khóa máy lại, để vó nổi trên mặt nước và lên xuồng máy tiếp cận vó rồi đổ cá vào xuồng. Nếu ít cá, chủ vó sẽ thả xuống chờ kéo lần sau. Cá thu từ vó về cho vào bể nhỏ chờ khách đến mua hoặc đem ra chợ bán.

Những lúc rảnh rỗi, người làm nghề tìm niềm vui bên chén rượu và con cá mới bắt được dưới sông. Đây là thời điểm họ kể cho nhau nghe về thành quả lao động, về dự tính tương lai và vui buồn của nghề kéo vó, hay cảnh thương lái từ các nơi đến tranh mua, tranh bán những đặc sản của lòng hồ Dầu Tiếng...

Anh Hải cho biết: “Năm 2008, tôi cất được một con cá Sơn Đài nặng 32kg. Tôi để đáy vó nổi dưới mặt nước để cá vùng vẫy đến khi mệt. Sau đó, dùng sợi dây xỏ vào mang kéo vào bờ. Với những con cá lớn, nếu không cẩn thận, hoặc nôn nóng kéo vó lên khỏi mặt nước sẽ bị chúng phá rách vó và thoát ra ngoài”.

CÁ SÔNG RA CHỢ

“Trên đoạn sông Sài Gòn này, nhiều người làm nghề quay vó đã phải đánh đổi tính mạng vì những phút bất cẩn. Nhiều người từ miền Tây lên lập nghiệp, do không am hiểu con nước đã dựng chòi, đặt vó vào mùa mưa không quay được vì nước ngập hoặc không có cá dẫn đến thua lỗ”.

Anh Nguyễn Trọng Nhân, thợ quay vó từ Bạc Liêu lên Tân Hiệp lập nghiệp.

Gia đình bà Mỹ Lệ (ấp Bù Lùng, xã Tân Hiệp) mỗi ngày đánh bắt được 250-300kg cá. Bà Lệ cho biết: “Thời điểm cất được nhiều cá, trên địa bàn tiêu thụ không hết, chúng tôi đem sang tận cửa khẩu bán cho lái buôn ở Campuchia. Nhưng vào cuối mùa mưa, cá khan hiếm, thương lái tự tìm đến chòi”. So với các nơi khác, những gia đình chọn nghề quay vó trên sông Sài Gòn có cuộc sống tương đối ổn định, con cái được học hành đàng hoàng.

Từ khi nghề quay vó trên sông Sài Gòn phát triển mạnh đã thu hút một số lái buôn khắp nơi đổ về mua cá. Khoảng 3 giờ sáng, chợ Tân Hiệp đã nhộn nhịp kẻ bán người mua. Từ thời điểm này, cá từ sông Sài Gòn, từ lòng hồ Dầu Tiếng sau một đêm đánh bắt được đưa ra chợ. Các lái buôn phân ra từng loại để chuyển về chợ trước lúc trời sáng. Còn những người quay vó, bán cá ghi vội những dòng chữ trên cánh tay trần và nhẩm tính về số tiền thu được trong ngày... rồi lại trở về với công việc của mình.         

Nhất Sơn

  • Từ khóa
92531

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu