Thứ 3, 16/04/2024 20:32:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:30, 14/09/2017 GMT+7

Lao động sau tuổi 35 bị sa thải và những vấn đề đặt ra

Thứ 5, 14/09/2017 | 06:30:00 989 lượt xem

BP - Nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, cô cháu họ đang làm công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Chơn Thành, huyện Chơn Thành về Đồng Xoài chơi. Qua lễ vẫn chưa thấy trở lại làm việc, hỏi thì cháu buồn bã nói đã chấm dứt hợp đồng lao động. Lý do là cháu 35 tuổi và đã có 12 năm làm việc tại công ty, lương cao mà không chịu làm tăng ca nên công ty luân chuyển sang bộ phận khác, vừa không phù hợp với sở trường, lương lại thấp nên cháu xin nghỉ việc. Cháu nhờ tìm việc ở Đồng Xoài chứ về quê bây giờ lấy đâu ra tiền sinh hoạt cho cả gia đình và đóng tiền học cho hai đứa con. Thế nhưng với trình độ văn hóa THPT, chẳng có nghề gì thì biết tìm việc ở đâu bây giờ?

Trường hợp của cô cháu họ chỉ là một trong rất nhiều công nhân sau tuổi 35 bị bắt buộc hoặc phải tự chấm dứt hợp đồng lao động tại các KCN trên địa bàn cả nước nói chung và ở Bình Phước nói riêng.

Muôn kiểu lách luật

Năm 2016, Viện Nghiên cứu Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã khảo sát hơn 60 doanh nghiệp tại các KCN, khu chế xuất trong cả nước. Kết quả cho thấy, hiện cả nước có trên 6 triệu lao động độ tuổi từ 18-30 làm việc trong các KCN. Khoảng 70-80% lao động nữ trên 35 tuổi tự bỏ việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động. Nguyên nhân chính dẫn đến chấm dứt quan hệ lao động là do áp lực công việc (tăng ca, định mức cao), công việc nặng nhọc, nguy hiểm, bị quấy rối tình dục, bị phân biệt đối xử... Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Công nhân - Công đoàn cũng chỉ ra xu hướng sa thải lao động từ 35 tuổi trở lên, đa phần là nữ ngày càng phổ biến. Sau khi bị sa thải, số công nhân này chủ yếu làm công việc tự do, buôn bán, nội trợ, làm ruộng hoặc bán hàng rong... Từ kết quả khảo sát nêu trên, Viện Nghiên cứu Công nhân - Công đoàn đưa ra cảnh báo: Cả nước hiện có khoảng 6 triệu lao động từ 18-35 tuổi làm việc trong các KCN, khu chế xuất. Theo xu hướng này, khoảng 10 năm tới, sẽ có khoảng từ 2-3 triệu lao động bị đào thải. Khi đó, tình trạng lao động ở các khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động ngày càng tăng lên trong khi khu vực có quan hệ lao động lại giảm. Xu thế này đi ngược lại với các nước có nền kinh tế tiên tiến.

Công nhân Công ty TNHH Sang Hun, Khu công nghiệp Đồng Xoài I, xã Tân Thành (Đồng Xoài) đình công (ảnh minh họa) - Ảnh: B.L

Tại Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 99 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh tại 8 KCN, thu hút 42.450 lao động. Một cán bộ của Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Ở Bình Phước hiện chưa có tình trạng các doanh nghiệp chủ động chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân trên 35 tuổi do nguồn cung lao động chưa đủ cầu. Tuy nhiên, tình trạng công nhân ở độ tuổi trên 35 tự bỏ việc khá nhiều. Nguyên nhân bỏ việc là do công việc quá nặng nhọc, áp lực về thời gian, thu nhập thấp, không tương xứng với cường độ lao động cũng như quỹ thời gian làm việc họ bỏ ra. Trong khi đó, đa số công nhân đều đi làm xa nhà, phải ở trọ và đối mặt với rất nhiều rủi ro cả trong lao động lẫn cuộc sống xa nhà.

Tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng biết có hiện tượng sa thải công nhân, lao động sau tuổi 35 ở các KCN, khu chế xuất, gây bức xúc dư luận. Thế nhưng do các công ty đều lách luật ngay khi ký kết hợp đồng lao động nên đến nay chưa có cơ sở để xử lý một doanh nghiệp nào. Họ thường có rất nhiều lý do để sa thải công nhân sau tuổi 35, như công ty gặp khó khăn phải cơ cấu lại sản xuất; hoặc chuyển đổi sang làm vị trí công việc khác để công nhân không chịu nổi áp lực xin tự nghỉ việc. Và theo quy định của luật pháp, doanh nghiệp chỉ cần thông báo trước cho lao động 45 ngày là có thể chấm dứt hợp đồng lao động. Bởi thế, người lao động luôn đối mặt với nguy cơ phải nghỉ việc bất kỳ lúc nào. 

Một công nhân nữ có hộ khẩu thường trú phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, đang làm việc tại KCN Tân Tạo ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh cho biết, chị làm việc tại đây đã được 10 năm và hiện mức lương 7 triệu đồng/tháng. Chị thấy công việc ở đây ổn định, thu nhập cũng khá nên muốn gắn bó lâu dài với công ty. Thế nhưng gần đây, công ty liên tục thay lao động bằng người trẻ hơn ở những công đoạn đơn giản, chỉ học việc 2-3 tuần là có thể làm việc, nhằm giảm chi phí. Những người gắn bó với công ty lâu năm như chị, lương và phụ cấp từ 6-7 triệu đồng/tháng, trong khi lại ít tăng ca. Còn công nhân trẻ thì mức lương chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng, lại chịu khó tăng ca và ít nghỉ việc. Chị cũng cho biết gần đây, công ty có chính sách những ai trên 35 tuổi nghỉ việc sẽ nhận trợ cấp một lần bằng 8 tháng lương. Nếu không nghỉ sẽ chuyển sang dây chuyền khác.

Những hệ lụy được  báo trước

Tình trạng sa thải lao động sau tuổi 35 đang đặt ra nguy cơ đáng báo động cho thị trường lao động Việt Nam, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và tạo thêm gánh nặng an sinh xã hội. Trước đây, hàng triệu lao động trẻ nhưng không có trình độ tay nghề là lợi thế của Việt Nam thì hiện lực lượng này không còn chiếm ưu thế ở thời kỳ cách mạng 4.0 nữa. Lao động nữ mất việc làm sau tuổi 35 rất khó có cơ hội tìm được việc làm thay thế do các doanh nghiệp không tuyển lao động ở độ tuổi này. Bản thân lao động nữ khó tiếp thu, thực hành để thành thạo một nghề mới. Đây cũng là khoảng thời gian người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hoặc nuôi con nhỏ. Mất việc làm là mất sinh kế, mất nguồn thu nhập ổn định, ảnh hưởng tới cả chế độ dinh dưỡng, học tập của con em họ - nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Thậm chí đe dọa hạnh phúc gia đình, tế bào của xã hội, tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Tại những KCN ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khuyến khích và hỗ trợ tiền cho công nhân làm việc trên 15 năm nghỉ việc trước tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc số người nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng lên và sẽ tăng nguy cơ về an sinh xã hội.

Công nhân Công ty TNHH bao bì cao cấp S&K Vina (Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc) trong giờ làm việc - Ảnh: H.C

Câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam luôn có những cam kết ưu đãi đầu tư, “trải thảm” đón các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp lại không có bất kỳ cam kết nào về thời gian sử dụng lao động từ 20 năm trở lên? Hiện chưa có bất kỳ chính sách đặc thù nào cho đối tượng kết thúc quan hệ việc làm tại các KCN khi độ tuổi còn trẻ, cũng như chưa có bộ, ngành cụ thể nào nhận trách nhiệm hay quản lý số lao động này. Từ vấn đề này, tại các phiên thảo luận về Luật Lao động, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho rằng, cần đưa vấn đề này vào Luật Lao động nhằm ràng buộc các doanh nghiệp FDI sử dụng lao động lâu dài. Trước mắt, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách thuộc lĩnh vực lao động, tránh các “kẽ hở” để doanh nghiệp lợi dụng “lách” luật. Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu sửa đổi các chính sách về việc làm, sa thải lao động, chính sách về nhà ở, đào tạo và các chính sách xã hội khác có liên quan. Nhà nước cần tạo ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lâu năm. Bên cạnh đó, các trường nghề phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo lao động có địa chỉ và đẩy mạnh công tác định hướng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Thảo Linh

  • Từ khóa
93359

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu