Thứ 6, 29/03/2024 17:49:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:57, 01/06/2018 GMT+7

Lắp camera lớp học có hạn chế được bạo hành trẻ em?

Thứ 6, 01/06/2018 | 07:57:00 141 lượt xem
BP - Nhiều năm trở lại đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em, đặc biệt là ở khối mầm non, gây phẫn nộ trong dư luận.

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối chưa thể giải quyết triệt để. Vì thế, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi đưa con đến nhà trẻ. Trước thực trạng đáng lo ngại này, các cấp, ngành hữu quan và ngành giáo dục đã tìm giải pháp bằng việc yêu cầu lắp camera trường học. Tuần qua, chủ đề camera giám sát trở nên “nóng” hơn khi Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh công bố kết quả khảo sát lắp đặt camera tại lớp để quan sát hoạt động của cô và trẻ: 88% cha mẹ đồng thuận, ủng hộ nhưng 52% giáo viên không đồng tình. Việc lắp camera trường học không mới, nhiều thành phố lớn đã thực hiện cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, việc giám sát học sinh, giáo viên như thế nào cho hiệu quả lại chưa được tính đến. Các vụ bạo hành trẻ em vẫn diễn ra với mật độ ngày càng tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Thực ra, nếu gửi con ở trường có lắp camera sẽ khiến phụ huynh phân tâm, thường xuyên kiểm tra xem con ăn, ngủ, chơi thế nào. Và đương nhiên sẽ mất thời gian, xao nhãng công việc của mình. Việc có tới 52% giáo viên không ủng hộ là bởi hình ảnh của cô và trò cập nhật trên mạng sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư; ngoài ra họ sẽ bị mệt mỏi, căng thẳng, áp lực khi liên tục bị “soi”. Có phụ huynh lo lắng thái quá, liên tục gọi điện nhắc nhở, yêu cầu cô phải thế này thế nọ, gây ức chế cho giáo viên trong suốt thời gian giảng dạy.

Liên quan tới nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã có Công văn số 1295/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 5-4-2018 về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Tính riêng 2 thành phố lớn cũng đủ thấy sự sát sao đó. Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường thực hiện nội dung này, trong đó khuyến khích các trường lắp hệ thống camera kết nối với công an phường, xã để kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ, chống xâm hại, chống dịch bệnh, an toàn giao thông. TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo khẩn thực hiện thí điểm lắp camera tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn từ năm học 2018-2019.

Nhưng liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo chắc chắn trẻ không bị bạo hành, hạn chế các hành vi xâm hại học sinh? Bởi nhiều học sinh vẫn bị bạo hành ở những trường lắp camera. Vì nơi học sinh bị đánh đập, chửi mắng là trong nhà vệ sinh, ngoài hành lang... những chỗ mà “mắt thần” không “quét” tới được?!. Đó là chưa kể, lắp camera rất tốn kém. Để lắp đầy đủ camera cho một cơ sở nhỏ khoảng 10 lớp học tốn khoảng 100 triệu đồng. Vậy nguồn tài chính để thực hiện ý tưởng lắp camera trong trường học lấy ở đâu? Bởi thực tế không phải phụ huynh nào cũng có đủ điều kiện tài chính và sẵn sàng đóng góp.

Do đó, để quản lý tốt hơn, ngoài tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nhằm làm gương thì cần thiết hơn cả vẫn là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhận thức cho giáo viên... Mỗi giáo viên cũng cần tự nâng cao năng lực, điều chỉnh hành vi, đạo đức của mình. Chỉ khi “cô giáo như mẹ hiền”, xem học sinh như con, xác định vai trò nghề nghiệp để đối xử đúng đắn với trẻ thì mới là giải pháp lâu dài và thực chất.

An Nhiên

  • Từ khóa
108881

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu