Thứ 6, 29/03/2024 20:35:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:35, 19/09/2019 GMT+7

Lập lại kỷ cương trong lĩnh vực bảo hiểm

Thứ 5, 19/09/2019 | 09:35:00 94 lượt xem
BP - Ngày 15-8-2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP và nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2019. Nghị quyết quy định rõ việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của dư luận.

Theo đó, trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền bảo hiểm của các lần bị chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần bị chiếm đoạt...

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự gây thiệt hại cho quỹ BHXH, BHYT, BHTN và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền của các lần bị thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần gây thiệt hại.

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN vừa gây thiệt hại mà số tiền bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điều 214, 215 của Bộ luật Hình sự thì xử lý như sau: Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản. Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn. Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả hai tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHTN, BHYT, thẻ BHYT để chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN hoặc gây thiệt hại, thì ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức... nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Nghị quyết cũng quy định rõ, trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Đồng thời, nghị quyết cũng quy định đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-1-2018 thì không xử lý về hình sự.

Với sự ra đời của nghị quyết này không những đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, và sẽ tăng cường tính răn đe, cảnh báo, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, của cơ quan BHXH trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN. Hơn thế nữa, nghị quyết này sẽ góp phần quan trọng trong việc lập lại trật tự kỷ cương lĩnh vực bảo hiểm, đồng thời ngăn chặn tình trạng nợ dây dưa hoặc trốn đóng BHXH, BHYT và BHTN.

V.B

  • Từ khóa
62815

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu