Thứ 6, 26/04/2024 19:08:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:50, 20/06/2018 GMT+7

Lập lý lịch để bảo vệ rừng

Thứ 4, 20/06/2018 | 08:50:00 121 lượt xem
BP - Với diện tích gần nửa triệu héc ta, Quảng Nam là địa phương đứng thứ nhì cả nước về diện tích rừng tự nhiên. Vì vậy, tình trạng khai thác gỗ và phá rừng lấn chiếm đất để sản xuất trên địa bàn tỉnh này diễn ra rất phức tạp. Trước tình trạng phá rừng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Nam đã triển khai lập hồ sơ, lý lịch cho những cánh rừng, giao người dân tổ chức quản lý.

Ngày 13-6, trên website vtv.vn cho biết, sau 5 tháng triển khai, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh thuộc 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang đã luồn rừng, tiến hành kiểm tra, đánh dấu trực tiếp vào thân của hơn 1.000 cây cổ thụ quý hiếm, sau đó bàn giao nguyên trạng cho từng thôn, bản tự bảo vệ. Chính quyền Quảng Nam cũng cho rằng, cuộc chiến bảo vệ rừng phải được triển khai “ngay tại cội”. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn bởi nó không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân mà còn hạn chế được lâm tặc từ nơi khác kéo đến phá rừng. Do đó, việc thẩm định, làm lý lịch, phân loại từng diện tích, chất lượng rừng, sau đó giao rừng cho người dân địa phương quản lý theo từng gia đình, từng nhóm hộ được xác định là giải pháp căn cơ và lâu dài.

Bình Phước hiện còn hơn 175.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng 26.032 ha, là nơi bảo tồn hệ động vật, thực vật hoang dã, nguồn dược liệu quý hiếm, đồng thời vừa là rừng phòng hộ đầu nguồn cho những hồ chứa nước của thủy điện Thác Mơ và thủy điện Cần Đơn. Mặc dù công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ, chăm sóc rừng được chính quyền và ngành chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục, nhưng năm 2017 vẫn xảy ra 97 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Trung tuần tháng 4-2018, tại Tiểu khu 55 khu vực suối Bài Thơ thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp quản lý, từng nhóm từ 10-30 người tràn vào các khu rừng thuộc địa bàn 2 huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập để “thảm sát” cây ươi lấy trái. Mặc dù là rừng đầu nguồn nhưng nhiều cây ươi cổ thụ ở đây đã bị cưa đổ không thương tiếc bên bờ sông Đắk Huýt.

Để từng bước nâng cao độ che phủ rừng, thực hiện tốt phòng, chống cháy rừng và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, thời gian qua, tỉnh đã và đang tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng các chốt, trạm bảo vệ rừng và đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ rừng; xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm ổn định nơi ăn ở và phục vụ tốt hơn đời sống, sinh hoạt cho lực lượng bảo vệ rừng ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn... Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng về vai trò, tầm quan trọng của rừng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị thì việc tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, các cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng là hết sức cần thiết. Đặc biệt, giải pháp lập lý lịch cho rừng mà tỉnh Quảng Nam đang làm sẽ là công cụ hết sức cần thiết nếu được áp dụng tại Bình Phước. Bởi chỉ khi được giao trách nhiệm cụ thể mới phát huy hết hiệu quả tinh thần trách nhiệm của người dân và cộng đồng sinh sống gần rừng trong bảo vệ rừng.

Lâm Phương

  • Từ khóa
108896

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu