Thứ 6, 19/04/2024 05:54:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:51, 03/07/2015 GMT+7

Để cả hệ thống chính trị cùng tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Thứ 6, 03/07/2015 | 13:51:00 1,669 lượt xem

BP - Trong những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục như công tác chỉ đạo có lúc, có nơi chưa thường xuyên và thiếu trọng tâm, trọng điểm. Ở một số ngành, địa phương còn coi việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của ngành tư pháp. Đặc biệt, cách thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, thậm chí sơ sài, mang tính hình thức, chỉ tổ chức hội nghị rồi đọc văn bản hướng dẫn của cấp trên là xong.

Cảnh sát giao thông tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ tại Trường THCS Tân Phú, TX. Đồng Xoài - Ảnh: Sỹ Hòa

Nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội cả nước cũng như ở Bình Phước, điều dễ nhận thấy là đời sống mọi mặt của người dân đã khá hơn rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, những vấn đề dân sinh bức xúc đang ngày càng tăng lên. Bước chân ra đường là đã có thể bức xúc về tình hình tai nạn giao thông, về thái độ chấp hành pháp luật của nhiều người dân và tình trạng “làm luật” của những cảnh sát giao thông biến chất. Ở trường học thì bức xúc về sự hỗn hào của học trò hoặc ngược lại là cách hành xử không đúng mực của một số thầy cô giáo, là tình trạng dạy thêm, học thêm. Vào bệnh viện thì bức xúc trước thái độ thờ ơ, vô cảm của một bộ phận y, bác sĩ. Đến cơ quan công quyền thì bức xúc vì thái độ trịch thượng của một số “đầy tớ nhân dân”. Ra chợ thì bức xúc vì tình trạng cân điêu, hàng giả. Rồi việc giải tỏa đền bù, cấp tái định cư, giải quyết khiếu nại, tố cáo “chậm như rùa”, quy hoạch “treo”, “dự án ma”... đều là những vấn đề rất dễ khiến người ta bức xúc. Và để tháo gỡ những bức xúc ấy, cùng với việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân đều chấp hành pháp luật, giải quyết những bức xúc theo luật chứ không thể vì bức xúc rồi muốn làm gì thì làm.

Những vấn đề dân sinh bức xúc là những vấn đề rất cụ thể, cá biệt trong khi nội dung tuyên truyền lại chỉ chung chung. Trước mỗi sự kiện, cơ quan tham mưu của Đảng về nhiệm vụ tuyên truyền thường xây dựng đề cương tuyên truyền chung cho mọi cấp, mọi ngành, địa phương. Rồi báo cáo viên (nhất là cấp cơ sở) cứ “sách in mõ tre” mà đọc lại, giống như sắm một đôi giày cho mọi đôi chân, hiếm khi có báo cáo viên cấp cơ sở liên hệ được với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Bởi thế, công tác tuyên truyền nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Thậm chí, ngay cả những hội nghị triển khai nghị quyết của Đảng ở cấp tỉnh, nhiều đảng viên đi học nghị quyết mà không biết nghị quyết nói về vấn đề gì!

Khi nói đến công tác tuyên truyền, chúng ta thường nhấn mạnh “là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”. Nhưng vì là của cả hệ thống chính trị nên thật khó quy trách nhiệm cụ thể cho ai! Trong nhận thức của một số người dân và ngay cả cán bộ, đảng viên, công tác tuyên truyền “có cũng được, không có cũng chẳng chết ai”. Và trong thực tế, nhiệm vụ tuyên truyền chủ yếu là của các cơ quan tuyên giáo, báo chí, văn hóa - thông tin - truyền thông và thường mới chỉ thiên về tuyên truyền bề nổi, bằng băng rôn, áp-phích, pa-nô, khẩu hiệu, nói chuyện thời sự, tổ chức hội nghị quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của trung ương cùng các tác phẩm báo chí, văn học - nghệ thuật... chứ chưa đi sâu vào ngóc ngách đời sống.

Thời gian tái lập tỉnh chưa lâu, lại qua nhiều lần chia tách hoặc thành lập huyện mới nên công tác quy hoạch, giải tỏa, đền bù, cấp tái định cư ở Bình Phước vẫn còn phải triển khai nhiều. Thế nhưng việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, lợi ích và cùng chia sẻ trách nhiệm với chính quyền chưa thật sự được chú trọng và chưa có cách làm phù hợp. Việc giải tỏa đền bù được giao cho chủ dự án. Chủ dự án căn cứ theo quy định mà làm, ai đủ điều kiện thì đền bù, cấp tái định cư, ai không đủ điều kiện thì mặc. Chưa nói đến những trường hợp lợi dụng giải tỏa đền bù để trục lợi một cách hợp thức mà ai cũng biết, ngay cả khi làm theo quy định một cách cứng nhắc như vậy, trong một số hoàn cảnh cụ thể cũng trở nên thiếu tính nhân văn. Nếu người dân được công khai quy hoạch, công khai chính sách, công khai quy trình giải tỏa đền bù, tái định cư, được phân tích, động viên, khuyến khích thì sẽ giảm được nhiều vấn đề bức xúc. Và như thế là các cơ quan thừa hành của chính quyền các cấp đã cùng tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền vận động người dân một cách đúng nghĩa “là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị” rồi!

Linh Tâm

  • Từ khóa
13367

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu