Thứ 5, 28/03/2024 20:30:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:30, 01/01/2018 GMT+7

Chào mừng năm mới 2018

Lên rừng ngắm sông

Thứ 2, 01/01/2018 | 07:30:00 258 lượt xem

BP - “Mỗi độ gió mùa đông bắc hiu hiu thổi về là tôi lại nhớ rừng, nhớ đồng đội, nhớ những căn cứ dã chiến được hình thành cấp tốc trong rừng già để phục vụ cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Dọc sông Măng hay ở ngay thượng nguồn sông Đắk Quýt này, không ai nhớ rõ có bao nhiêu quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả cứu giúp đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Bởi vậy, tôi phải giữ rừng như giữ lại chứng nhân của lịch sử cho thế hệ con cháu mai sau. Muốn giữ rừng thời nay thì phải làm du lịch. Làm du lịch không phải ngồi mát ăn bát vàng mà tạo điều kiện cho mọi người cùng hưởng lợi từ tài nguyên rừng” - Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và du lịch Bù Đốp Nguyễn Văn Ách chia sẻ. 

CUỘC CHIẾN GIỮ RỪNG

“Sau khi thủy điện Cần Đơn đi vào hoạt động vài năm thì lộ rõ 54 ha rừng thuộc vùng bán ngập của lòng hồ nổi lên như một ốc đảo. Nhìn mảnh đất màu mỡ, Lâm trường Bù Đốp xin chủ trương cho trồng cây cao su thì tỉnh đồng ý. Khi người nhà của lâm trường vào trồng cây thì tôi bảo đất rừng không được trồng. Có người cố tình trồng, tôi cho anh em nhổ bỏ, thậm chí canh giữ không cho người lạ xâm nhập vào vùng đất này. Bởi lẽ, khởi nguyên của vùng ốc đảo này là rừng nhưng vì trong quy hoạch công trình thủy điện Cần Đơn nên nó bị “cạo trọc” để làm lòng hồ. Khi thủy điện đi vào hoạt động thì vùng đất này không ngập đến. Do vậy, tôi mới cố gắng giữ lại để khoanh nuôi bảo vệ cho rừng tái sinh” - nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp Nguyễn Văn Ách nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Ách (bìa phải) và đồng đội bên cây trung quân trong diện tích rừng tái sinh của lòng hồ thủy điện Cần Đơn

Chỉ sau 2 năm bảo vệ, những cây rừng cùng với lồ ô từ lòng đất vươn lên phủ kín cả ốc đảo trong màu xanh ngút ngàn đến lạ thường. Sau 5 năm, khu này trở thành rừng lồ ô xen gỗ mang đặc tính của rừng kín thường xanh vùng nhiệt đới. Từ đó, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp Nguyễn Văn Ách nảy sinh ý tưởng trồng rừng ở những vùng bán ngập của lòng hồ thủy điện Cần Đơn để làm du lịch vào năm 2006. Ý tưởng đó được nuôi dưỡng và từng bước thực hiện đến nay đã 11 năm và Công ty TNHH MTV thương mại và du lịch Bù Đốp ra đời từ đây. Mùa khô năm 2008, Hạt kiểm lâm Bù Đốp thực hiện chính sách tiết kiệm từng khoản chi trong hoạt động sự nghiệp để có kinh phí phụ cấp cho việc lên rừng bứng từng cây tràm về trồng trong vùng bán ngập của lòng hồ. Miệt mài trồng 2 năm trời chỉ được 8 ha cây tràm và 25 ha cây gáo nước. Với phương châm nước rút đến đâu trồng rừng đến đó, sau 11 năm thực hiện, 200 ha vùng đất bán ngập của lòng hồ thủy điện Cần Đơn thành rừng trồng xanh tốt.

“Ở giữa núi rừng hoang vu cùng với sông nước này, nếu không gắn kết du lịch với quản lý bảo vệ rừng thì không thể giữ được rừng, không thể phát triển kinh tế ở vùng đất biên giới còn lắm khó khăn này. Tôi muốn du khách khi đặt chân đến đây phải trải qua cảm giác xào xạc của rừng để hiểu rừng mà yêu thiên nhiên. Mọi cá nhân hay doanh nhân, doanh nghiệp đến đây phải biết trân quý rừng để đầu tư, khai thác cùng hưởng lợi từ rừng. Chúng ta phải xã hội hóa giữ rừng, ai cũng có quyền giữ rừng và được hưởng lợi từ thành quả của việc giữ rừng ấy” -  Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và du lịch Bù Đốp Nguyễn Văn Ách cho biết.

NON NƯỚC HỮU TÌNH

Bao bọc 200 ha rừng trồng là 1.900 triệu mét khối mặt nước của lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Mặt hồ này luôn hiện hữu 160 triệu mét khối nước được hội tụ từ sông suối trong những cánh rừng nguyên sinh đổ về. Bên mặt hồ là màu xanh mơn mởn của 6.000 ha rừng nguyên sinh đang được Hạt kiểm lâm Bù Đốp quản lý nghiêm ngặt. Bên trong rừng có các loài voi, bò rừng, bò tót, hươu, nai, khỉ, voọc, gà lôi, chim trĩ cùng nhiều loài động vật quý hiếm khác. Mùa khô năm ngoái, đàn bò tót trong rừng già tranh giành lãnh thổ rượt đuổi nhau ra tận khu vực rừng trồng. Không may 1 con trong số đó bị người dân bản địa sát hại. Ngược về phía thượng nguồn của lòng hồ thủy điện Cần Đơn là những suối Tưng, suối Tức, suối Trong, suối Đục, suối Bài Thơ... quanh năm róc rách ẩn mình dưới những tán rừng nguyên sinh đầy sức sống. Mỗi sớm mai, loài vượn gọi bầy làm huyên náo cả một khoảng trời. Những loài khỉ, voọc nhảy nhót chuyền cành, líu lo tìm kiếm bạn tình. Thỉnh thoảng một vài cánh cò vút lên trên mặt hồ rồi biến mất trong xanh thẳm của núi rừng.

Nhà hàng nổi và thuyền phục vụ khách tham quan du lịch trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn

Ngay chân suối Bài Thơ là cả một rừng lộc vừng hoang nhiên, quanh năm xanh mướt. Vào mùa khô, khu rừng này lại tuôn hoa đỏ thắm, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên như tranh vẽ mà ở đó là sự kết hợp một cách khéo léo đến kỳ diệu giữa rừng với sông, suối. Chưa hết, phía dưới 19km2 mặt nước của lòng hồ còn có hàng trăm loài cá nước ngọt tìm về trú ngụ duy trì nòi giống theo năm tháng. Ngư dân Nguyễn Văn Rạng, dân địa phương hay gọi là Năm Rạng, mưu sinh trên vùng non nước này cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên bằng nghề chài lưới trên Biển Hồ ở Campuchia. Năm 1989, tìm về đất mẹ, tôi cũng sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông. Từ Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi xuôi về vùng sông nước Đồng Nai, chưa thấy nơi đâu lại có ý tưởng nuôi dưỡng cá trong tự nhiên như nơi này. Điều đó giúp tôi có được ý thức bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản hữu hạn mà lâu nay tôi cứ nghĩ vô hạn”.

“Đã đến lúc chúng ta phải thành lập công ty bảo vệ rừng. Đây là thời kỳ quá độ trước khi tìm phương cách giữ rừng mới hiệu quả hơn. Thay vì 10 người như hiện nay, công ty chỉ cần thuê 2 người biết giữ rừng thì đồng lương sẽ cao hơn nhiều. Sáng đi làm, chiều kiểm tra không được thì cho nghỉ việc, tìm người khác. Còn chia đều như hiện nay với đồng lương từ 2,5-3 triệu đồng/tháng thì đói không đói, no không đủ no nên mới xảy ra “ăn vụng”. Thiếu tiền thì kiếm tiền, kiếm tiền từ đâu? Từ rừng mà ra. Ai lấy rừng? Lâm tặc lấy rồi ăn chia với người giữ rừng. Tốc độ mất rừng luôn tỷ lệ thuận với tăng nhân sự. Chủ rừng càng nhiều, rừng mất càng nhanh”.

Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và du lịch Bù Đốp Nguyễn Văn Ách

Không chỉ giữ rừng, giữ từng động vật rừng, nguyên Hạt trưởng Nguyễn Văn Ách khi về hưu còn nghĩ ra cách giữ cá, nuôi cá giữa biển nước mênh mông trong lòng hồ thủy điện Cần Đơn để phục vụ du lịch. Trên một nhánh sông rộng chừng 5 ha mặt nước thuộc lòng hồ thủy điện Cần Đơn, ông cho ngăn một con đập bằng lưới đáy. Cá tự nhiên chỉ có thể vào chứ không thể ra. Ông còn thả cá giống để tạo đà cho nguồn lợi thủy sản sinh sôi nảy nở. Trên bờ đập, ông cho dựng những lều trại, trong lòng đập bố trí những thuyền câu để du khách đến đây thưởng thức cảm giác cá cắn câu trong mây ngàn của sông nước. Cùng với cảm giác ấy, những ngôi nhà nổi gió lộng tứ bề trên lòng hồ trong khu du lịch luôn sẵn sàng các món ăn đặc sản phục vụ du khách bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Trước cảnh sắc này, có lẽ không một ai có thể bỏ qua cuộc hành trình tìm về Bù Đốp để khám phá miền đất sơn cước nhưng lại lắm nước non huyền bí.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
93464

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu