Thứ 7, 20/04/2024 06:08:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 13:50, 17/03/2016 GMT+7

Lennart Torstensson - thống chế Thụy Điển

Thứ 5, 17/03/2016 | 13:50:00 324 lượt xem
BP - Lennart Torstensson sinh năm 1603, trong gia đình quân nhân chuyên nghiệp. Năm 15 tuổi, ông trở thành tùy tùng của vua Gustavus. Trong cuộc chiến tranh Livoria (1621-1623), ông luôn sát cánh cùng vua Thụy Điển nên đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm chiến trường quý giá. Sau cuộc chiến, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự Hà Lan về pháo binh.

Năm 1626, ông trở về Thụy Điển và tham gia chiến dịch Wallhof trong 3 năm để chống lại người Phổ. Nhờ cuộc chiến này, ông đã lọt vào mắt của vua Gustavus nên đường binh nghiệp của Torstensson lên như diều gặp gió và được phong hàm tướng ở tuổi 27 chỉ huy binh đoàn pháo binh. Sau khi được đề bạt, Torstensson xây dựng kế hoạch hiện đại hóa lực lượng pháo binh và được Gustavus phê chuẩn. Ông đã cho tiêu chuẩn hóa nòng đại bác, tăng cường hỏa pháo trên chiến trường, cải tiến đạn và hạn chế độ nặng của pháo, xây dựng hệ thống chiến đấu bằng pháo di động, cơ chế tháo lắp khi hành quân... Kế đó, Torstensson nâng cao hỏa lực của pháo bằng việc chế tạo đạn tăng thuốc súng ở đầu đạn, tăng tốc độ nạp đạn... Những cải tiến trên đã làm cho pháo binh Thụy Điển đạt đến trình độ cao nhất ở châu Âu lúc bấy giờ và Torstensson được vinh danh là “cha đẻ của pháo binh dã chiến”.

Trong cuộc chiến với người Đức tháng 9-1630 tại Breitenfeld, Torstensson dùng 100 khẩu pháo đồng loạt nã đạn vào đối phương. Các tính năng của pháo Thụy Điển phát huy cao gấp 3 lần so với pháo của người Đức nên đã giúp ông giành nhiều thắng lợi mang tính quyết định. Sau khi vua Gustavus chết, ông tiếp tục giữ vị trí chỉ huy pháo binh và giành thắng lợi trong cuộc chiến Wetzke vào năm 1636. Năm 1641, khi Torstensson bị bệnh ở nhà thì người Thụy Điển đưa quân đánh vào nước Đức nhưng không giành được thắng lợi nên ý chí chiến đấu và tinh thần của binh sĩ sa sút nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ bị thất bại. Vì vậy, hoàng gia Thụy Điển yêu cầu ông phải ra trận dù đang mang trọng bệnh. Ông đi tới từng chiến hào, họp mặt các chỉ huy, động viên binh sĩ, siết chặt kỷ luật quân đội, chấn chỉnh lại các lực lượng... Nhờ những động thái trên, năm 1642, quân Thụy Điển dưới sự chỉ huy của Torstensson giành nhiều thắng lợi quan trọng, đặc biệt là hệ thống pháo binh chiến trường đã phát huy tác dụng. Trên đà thắng lợi, ông cho quân tấn công vào Bohemia và Moravia năm 1643, đánh chiếm Đan Mạch năm 1644, đánh Phổ tại Jankau, Bavaria... năm 1645. Những năm sau đó, do sức khỏe ngày một suy sụp nên Torstensson xin từ chức chỉ huy để dưỡng bệnh. Tuy nhiên, do sức khỏe ngày một yếu nên ngày 7-4-1651 ông qua đời ở tuổi 48.

Lịch sử quân sự thế giới đánh giá ông là vị tướng tài và gặp nhiều may mắn trong đời binh nghiệp. Đó là ông được phục vụ dưới triều của các vị vua anh minh nhất lịch sử Thụy Điển để có cơ hội phát triển tài năng. Đặc biệt, sức ảnh hưởng của vua Gustavus đối với ông đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trong cuộc hiện đại hóa lực lượng pháo binh Thụy Điển. Nhờ vậy, Torstensson đã trở thành vị tướng pháo binh vĩ đại nhất thời kỳ này và những sáng chế, cải tiến kỹ thuật đã giúp quân đội Thụy Điển nói chung trở thành lực lượng mạnh ở châu Âu và xếp vào hàng những quốc gia có tiềm lực quân sự trong suốt thời gian dài. Từ những cải cách, hiện đại hóa lực lượng pháo binh mà khoa học quân sự thế giới có thêm một loại vũ khí hạng nặng di động khắp các chiến trường sau này là pháo tự hành. Đặc biệt, tầm ảnh hưởng của ông trong việc hiện đại hóa pháo binh đã nâng tầm lực lượng này thành một binh chủng quan trọng trong quân đội các nước cho tới ngày nay. Ngoài ra, từ các cuộc chiến do ông chỉ huy cho thấy, Torstensson là vị thống soái lớn có khả năng vận dụng mọi yếu tố địa hình, địa vật cũng như các điều kiện của chiến trường để giành chiến thắng.

 Tấn Phong

  • Từ khóa
66321

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu