Thứ 7, 20/04/2024 01:11:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 15:32, 01/11/2018 GMT+7

LHQ thảo luận dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận chống Cuba

Nguồn TTXVN
Thứ 5, 01/11/2018 | 15:32:00 111 lượt xem
BPO - Ngày 31-10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 đã thảo luận dự thảo nghị quyết không mang tính ràng buộc kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt chống Cuba kéo dài gần sáu thập niên qua.

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Cuba

Đây là lần thứ 27 liên tiếp Cuba đệ trình lên Đại Hội đồng dự thảo nghị quyết lên án chính sách cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đơn phương của Mỹ chống Cuba.

Theo phóng viên tại Liên hợp quốc, khác với những năm trước, Đại Hội đồng Liên hợp quốc năm nay sẽ tiến hành thảo luận dự thảo nghị quyết trên trong các ngày 31-10 và 1-11. 

Đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc tham gia phát biểu, trong đó có bài phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. 

Dự kiến dự thảo nghị quyết của Đại Hội đồng kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận chống Cuba sẽ được các nước thành viên Liên hợp quốc biểu quyết thông qua vào ngày 1-11. 

Trong ngày thảo luận đầu tiên, Đại sứ Nam Phi tại Liên hợp quốc Jerry Matthews Matjila nhấn mạnh những điều khoản bổ sung mà Mỹ công bố trước đó rõ ràng là nhằm che đậy hành vi vi phạm quyền con người nghiêm trọng của Washington trong việc thực thi lệnh bao vây cấm vận Cuba. 

Tương tự, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Gholamali Khoshroo mô tả các lệnh cấm vận của Washington là chính sách bất công nhất chống lại một quốc gia trong lịch sự hiện đại. 

Trong khi đó, Đại sứ Triều Tiên tạị Liên hợp quốc Kim Song cáo buộc Mỹ có âm mưu thay đổi chế độ tại Cuba.

Trước đó, ngày 23-10, Mỹ đã đệ trình lên Liên hợp quốc đề xuất gồm 8 điều khoản bổ sung vào dự thảo nghị quyết của Cuba lên án cấm vận của Mỹ. Các đề xuất điều chỉnh của Mỹ đều liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và vấn đề nhân quyền tại Cuba. 

Ngay sau đó, Cuba đã lên tiếng phản bác mạnh mẽ các đề xuất của Mỹ trình lên Liên hợp quốc.

Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez sẽ có bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 1-11.

Năm ngoái, có 191 trong số 193 nước thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu ủng hộ chấm dứt sự cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại do Washington áp đặt chống Cuba. Mỹ và đồng minh thân cận Israel là hai nước bỏ phiếu chống. 

Trước đó, năm 2016, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã lần đầu tiên bỏ phiếu trắng về dự thảo nghị quyết này tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Đây là thời điểm quan hệ giữa hai nước có dấu hiệu tan băng.

Cuba và Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao vào năm 2015. Tuy nhiên, quan hệ hai nước sau đó lại xấu đi với việc Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và thực thi các chính sách đảo ngược lại nỗ lực hàn gắn quan hệ với đảo quốc Caribe này của người tiền nhiệm Obama. 

Hồi năm ngoái, ông Trump đã ký một sắc lệnh tổng thống về việc siết chặt chính sách của Mỹ đối với Cuba, theo đó cấm các công ty Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Cuba cũng như hạn chế công dân Mỹ tới đảo quốc này.

Theo phóng viên tại La Habana, ngày 31-10, Cuba đã công bố Danh mục Các dự án kêu gọi đầu tư của nước ngoài năm 2018, bao gồm 168 dự án mới, trong đó có thêm nhiều dự án mới, nâng số dự án trong danh mục lên mức 525 với tổng số vốn kêu gọi là 11,609 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng Cuba đã rút 104 dự án khỏi danh mục, vì số này đã được thực hiện, chuyển đổi quy mô hoặc đã bước vào giai đoạn đàm phán ký kết.

Lễ công bố diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế La Habana FIHAV 2018. Bộ trưởng Ngoại thương và đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca cho biết các dự án mới tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ, cơ khí luyện kim, hóa chất, du lịch và mỏ.

Các dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài của Cuba trải rộng khắp 15 tỉnh thành của đảo quốc Caribe này, trong đó Đặc khu Phát triển Mariel - được thành lập với mục đích trở thành "đầu tàu" thu hút đầu tư và thương mại Cuba - có 45 dự án. 

Xét theo lĩnh vực, du lịch vẫn là ngành chiếm nhiều số lượng dự án đầu tư nhất trong danh mục (187 dự án).

Điểm mới của danh mục năm nay là việc Cuba đã cập nhật chính sách công nghiệp, với điểm nhấn vào nhu cầu thành lập các chuỗi sản xuất. 

Các dự án trong danh mục lần này cũng được tổ chức thành các trục và lĩnh vực chiến lược, thuận tiện hơn cho việc nghiên cứu, đánh giá.

Bộ trưởng Malmierca cho biết từ tháng 10-2017 tới hết tháng 9-2018, Cuba đã thông qua 40 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với vốn cam kết là 1,5 tỷ USD, và 35 dự án trong số này đã tiến triển sang giai đoạn triển khai. 

Cũng thời gian này, các doanh nghiệp Cuba và đối tác nước ngoài đã ký kết 7 thỏa thuận kéo dài dự án đầu tư và tái đầu tư với tổng số vốn là 100 triệu USD.

Theo thống kê chính thức, kể từ khi Cuba ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (Luật 118) năm 2014, quốc gia Caribe này đã ký mới được 175 dự án có vốn nước ngoài, với tổng số vốn là 5,5 tỷ USD, đồng thời ký kết tái đầu tư trong 21 dự án. 

Các đối tác trong các dự án ký mới trong 4 năm qua đến từ 28 quốc gia, và 41 dự án trong số này triển khai tại đặc khu Mariel.

  • Từ khóa
78780

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu