Thứ 6, 29/03/2024 19:34:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 00:00, 10/08/2011 GMT+7

50 NĂM THẢM HỌA CHẤT ĐỘC DA CAM (10-8-1961 - 10-8-2011)

Thứ 4, 10/08/2011 | 00:00:00 1,543 lượt xem

Chung tay xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân chất độc da cam

Chiến tranh đã lùi xa 36 năm, nỗi đau của những người vợ, người mẹ chưa có được hạnh phúc trọn vẹn bởi di chứng chất độc da cam vẫn hiện hữu. Nhiều “em bé” 28, 30 tuổi vẫn phải sống với đời sống thực vật hoặc phải chịu đựng những đau đớn do di chứng của chất độc da cam từ những người cha, người mẹ…
 
>> 500 người nghèo, nạn nhân chất độc da cam được khám bệnh, phát thuốc miễn phí


KHẮC KHOẢI NHỮNG PHẬN NGƯỜI

Gia đình bà Phan Thị Tròn, (1955), ngụ thôn 3, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập có chồng là ông Ngô Chính, từng tham gia du kích tại khu vực xã Đức Hạnh. Ông bà sinh được 6 người thì 2 người bị di chứng chất độc da cam nặng nên cơ thể phát triển không bình thường. Ông bị nhiễm chất độc da cam và chết cách nay 6 năm. Đứa con gái Ngô Thị Tuyết Mai đã 29 tuổi nhưng chỉ biết quanh quẩn trong nhà, không làm gì ngoài việc đưa võng cho em. Khuôn mặt già nua, đầu tóc bù xù, quần áo lôi thôi càng làm Mai thêm khắc khổ. Đứa con út là Ngô Thị Kim Tuyến 12 tuổi bị di chứng dẫn đến bại liệt nằm một chỗ. Tuyến luôn la hét, khóc lóc cả ngày.

Bà Tròn ngậm ngùi khi nghĩ đến tương lai của các con

Trước đây, cả hai vợ chồng bà Tròn nuôi con bệnh tật đã thấy chật vật, nhưng từ ngày ông Chính chết, mọi gánh nặng bà phải cáng đáng. Bà vừa phải làm thuê, làm mướn, vừa chăm sóc những đứa con bệnh tật. Gia đình bà may mắn được xã xây tặng căn nhà tình thương, hằng tháng còn có tiền trợ cấp nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn còn rất thiếu thốn.

Cùng chung nỗi đau vì chất độc da cam là gia đình thương binh Nguyễn Trung Trực (1952), trú ấp 1, xã Bình Thắng. Không giấu nổi nỗi buồn nặng trĩu trong lòng, khuôn mặt âu sầu, khắc khổ đã đeo bám gần ba chục năm nay, ông Trực chỉ vào đứa con đang ngồi trên nền nhà: “27 tuổi mà chỉ như đứa trẻ vậy thôi. Vợ chồng tôi cũng đã hết cách chạy chữa rồi, nên đành chịu! Nó bị di chứng chất độc da cam là vì tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị”. Năm 1984, niềm vui sinh đứa con đầu lòng chẳng được bao lâu thì ông nhận ra con mình thuộc dạng chậm phát triển. Sinh đứa thứ hai Nguyễn Thị Lan, ông bà đặt nhiều hy vọng nhưng cũng chỉ được được 7 ngày thì Lan bắt đầu lên cơn co giật, chân tay cứ mềm oặt như bún rồi teo dần. Vợ chồng ông đưa các con đi khắp nơi để chữa bệnh nhưng đều vô vọng. Ông Trực gạt nước mắt: “Người ta chỉ nuôi con thơ 8 - 9 tháng, vợ chồng tôi thì con thơ suốt gần 30 năm. Một ngày có thể bị co giật 4 - 5 lần, nó chỉ ngồi một chỗ, ăn ngủ, vệ sinh, mẹ nó lo hết. Không biết sau này khi chúng tôi già yếu, ai sẽ chăm sóc nó đây?”.

CHUNG TAY XOA DỊU NỖI ĐAU DA CAM

Đa phần cuộc sống của những gia đình bị nhiễm chất độc da cam đều gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Sở Lao động - Thương binh và Xã hội luôn dành một khoản kinh phí lớn để bù đắp cho các đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi của Nhà nước nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu ở những gia đình này. Hầu hết các cựu chiến binh và con, cháu họ bị di chứng chất độc da cam đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề như: sức khỏe yếu, chi phí thuốc men hàng tháng cao, không thể lao động và phải cần có người chăm sóc...

Những người như Mai, Lan chỉ là một trong hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang cần sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Được biết, mỗi tháng gia đình ông Nguyễn Trung Trực được hỗ trợ 777 ngàn đồng. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong xã vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên gia đình, phần nào làm dịu đi nỗi đau quá lớn này.

Ông Lê Minh Xuân, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Bình Thắng cho biết: “Thường xuyên tiếp xúc với các nạn nhân da cam, tôi rất thương cảm cho các gia đình. Vì hoàn cảnh mà họ rất khó vươn lên để thoát nghèo. Tôi đề nghị chính sách hỗ trợ cần cao hơn và có nhiều ưu đãi khác phù hợp”. Cùng tâm trạng, ông La Văn Hợp, cán bộ Hội cựu chiến binh, phụ trách Hội nạn nhân chất độc da cam xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài tâm sự: “Các chính sách đãi ngộ dành cho những người bị ảnh hưởng chất độc da cam cần được triển khai kịp thời, nhất là giám định phơi nhiễm để giải quyết chế độ. Bởi có những người mang biểu hiện bị nhiễm chất độc da cam nhưng chưa được giám định thì đã chết mà không được hưởng chế độ chính sách”.

Nhằm mục đích chung tay xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, năm 2006, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập. Từ khi thành lập đến nay, hội luôn tranh thủ mọi sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và những nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, tạo điều kiện để hội nhân rộng các hoạt động từ thiện, nhân đạo. 5 năm qua, hội và các chi hội cơ sở đã vận động được trên 2 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, hội đã thực hiện giúp đỡ trực tiếp cho các nạn nhân; cụ thể đã xây dựng 36 căn nhà tình nghĩa, tặng 3.161 suất quà và trao 15 suất học bổng, giúp đỡ khám chữa bệnh v.v...

Từ sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cùng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức từ thiện đã phần nào chia sẻ nỗi đau với những gia đình, bản thân nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn. Tuy nhiên, sự giúp đỡ đó vẫn còn quá ít ỏi so với nhu cầu của các nạn nhân. Ông Bùi Xuân Kim, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nói: “Nỗi đau da cam là một nỗi đau quá lớn. Mỗi người chúng ta hãy chung tay giúp đỡ họ, dù chỉ là những hành động hay số tiền nhỏ. Hãy chung tay, góp sức, đùm bọc nạn nhân chất độc da cam bằng những tấm lòng nhân ái của cả cộng đồng.

Tú Quyền

  • Từ khóa
3630

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu