Thứ 6, 29/03/2024 13:46:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:18, 05/09/2018 GMT+7

“Liều thuốc” phòng, chống lãng phí

Thứ 4, 05/09/2018 | 08:18:00 110 lượt xem

BP - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. Nghị định quy định rõ nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống. Theo đó, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền và chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đưa ra những quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-10-2018.

Theo thống kê, cả nước có hơn 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, tổ chức thuộc Trung ương và địa phương. Trong đó, kỷ niệm cấp quốc gia có 7 ngày; ngày thành lập của các bộ, ngành, địa phương có 87 ngày; ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương có 121 ngày; 63/63 tỉnh, thành phố đều có kỷ niệm ngày thành lập, tái lập. Ngoài ra, một số ngành còn tồn tại cả ngày thành lập lẫn truyền thống. Đơn cử như ngành công an nhân dân có nhiều ngày kỷ niệm của các đơn vị và các lực lượng khác nhau. Nếu năm nào cũng tổ chức đủ các ngày nêu trên thì sẽ tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền của. Thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành phố tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày tái lập tỉnh với quy mô lớn, truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình; sau phần lễ là chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm, sân khấu hoành tráng, có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng và hàng ngàn khách mời tham dự... tốn nguồn kinh phí rất lớn. Nhiều người cho rằng, việc chi tiêu cho các lễ: khánh thành, động thổ, kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống các bộ, ngành, địa phương ngốn quá nhiều tiền của dẫn đến quá lãng phí, chưa nói đến chuyện có tiêu cực trong chi tiêu hay không. Trước thực trạng ngày càng tràn lan các lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống thì những quy định chấn chỉnh, khắc phục vấn đề này là vô cùng cần thiết. Vì vậy, “căn bệnh” này phải có một liều thuốc để “chữa trị” hiệu quả, đó chính là Nghị định số 111/2018/NĐ-CP.

Trước khi nghị định này ra đời cũng đã có một số văn bản pháp luật quy định về vấn đề này. Cụ thể là Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013  quy định về tổ chức ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua...; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Quyết định số 398/QĐ-TTg ngày 31-3-2017 về Chương trình tổng thể của Chính phủ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Như vậy, cùng với chỉ thị và quyết định của Thủ tướng đã ban hành thì Nghị định số 111/2018/NĐ-CP sẽ tiếp tục nâng thêm một bước các quy định về tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, truyền thống..., đồng thời khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực.

Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý, đưa việc tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống từ Trung ương đến bộ, ngành, địa phương theo hướng quy định cụ thể về quy mô, nghi thức, quy trình buổi lễ; thành phần, số lượng khách mời, lập lại trật tự kỷ cương trong việc tổ chức các lễ kỷ niệm. Tất cả lễ kỷ niệm khi tổ chức phải được áp dụng thực hiện một cách thống nhất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu