Thứ 7, 20/04/2024 17:39:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:00, 16/01/2016 GMT+7

Thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT: Tăng lợi ích cho người dân

Thứ 7, 16/01/2016 | 14:00:00 277 lượt xem

BP - Thông tư số 40/TT-BYT, ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế về việc đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, huyện hoặc phòng khám đa khoa đều được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Điều này có nghĩa, người bệnh sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi đăng ký khám, chữa bệnh ở những cơ sở y tế được thông tuyến.

MỞ RỘNG CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT

Ông Trần Bình Đức, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết: “Để người dân có nhiều lựa chọn, chúng tôi đã phối hợp với Sở Y tế kiểm tra một số cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập và ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT. Vừa qua, BHXH tỉnh đã ký kết hợp đồng với Phòng khám đa khoa Tâm Đức và Phòng khám đa khoa 123 Hùng Vương (đều ở Đồng Xoài) về khám, chữa bệnh  BHYT. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện và tương đương, 111 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 30 trạm y tế của các nông trường đã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Dự kiến trong tháng 1-2016, BHXH tỉnh tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với Phòng khám đa khoa Sài Gòn và Phòng khám đa khoa Hồng Lý (Chơn Thành)”.

Người dân đến khám chữa bệnh BHYT tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức

Bà Đào Thị Lê ở huyện Bù Đăng đến khám bệnh tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức nói: “Tôi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ở tuyến huyện. Thế nhưng khi có bệnh tôi luôn chọn khám tại các phòng khám ngoài công lập nên không được chi trả tiền BHYT. Với Thông tư số 40, một số phòng khám ngoài công lập thực hiện khám, chữa bệnh BHYT nên tôi vẫn được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh là rất đáng mừng”.

Nhằm đưa Thông tư số 40 đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi cho người dân khám, chữa bệnh BHYT, ngoài việc mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, BHXH tỉnh tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng thẻ BHYT hiệu quả. “Đối với trường hợp người dân muốn thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, chúng tôi sẽ hướng dẫn họ đăng ký theo đúng đối tượng quy định, phù hợp nơi cư trú, công tác” - ông Đức cho hay.

THÔNG TUYẾN KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT

Sau khi Thông tư số 40 có hiệu lực, tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tuyến xã, huyện và tương đương trên địa bàn tỉnh đã đồng bộ triển khai. Theo đó, bất kỳ người dân đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các trạm y tế tuyến xã, huyện đều có quyền chọn khám ở tất cả cơ sở khám, chữa bệnh tương đương trong phạm vi tỉnh mà không cần phải xin giấy chuyển tuyến như trước và vẫn được thanh toán 100% chi phí. Theo thống kê của Phòng khám đa khoa Tâm Đức, trung bình 1 ngày phòng khám tiếp nhận 50-60 bệnh nhân, trong đó khoảng 50% bệnh nhân đến từ các huyện, thị. Do thông tư mới có hiệu lực, nhiều người bệnh chưa biết nên không mang theo thẻ bảo hiểm khi đến khám, điều trị bệnh. Hiện Phòng khám đa khoa Tâm Đức đã dán thông báo khám, chữa bệnh BHYT, đồng thời hướng dẫn người bệnh đăng ký để được hỗ trợ chi phí theo quy định.

Theo ý kiến của lãnh đạo các bệnh viện tuyến huyện, việc thông tuyến khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tuyến xã, huyện và tương đương sẽ tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất. Bên cạnh đó, việc thông tuyến cũng tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương. Một số cơ sở y tế chưa muốn xếp hạng hoặc chần chừ trong việc nâng hạng cũng phải tự đổi mới và tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhằm thu hút bệnh nhân.

Nếu trước đây tại bệnh viện tuyến huyện, khi người dân khám trái tuyến và có giấy chuyển viện mới được quỹ BHYT thanh toán 70% chi phí. Nay với Thông tư số 40, người dân khám trái tuyến vẫn được thanh toán 100% chi phí. Hiện Thông tư số 40 cho phép người dân được thông tuyến khám, chữa bệnh từ tuyến huyện trở xuống và dự định đến ngày 1-1-2021 quỹ BHYT mới chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước. Bà Nguyễn Thị Thơm (Bù Gia Mập) cho biết: “Dù mới thông tuyến khám chữa bệnh BHYT từ tuyến huyện trở xuống nhưng người dân đã tăng tiện ích trong việc lựa chọn cơ sở để khám, chữa bệnh”.

Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT thể hiện sự nỗ lực của ngành y tế và ngành bảo hiểm trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thông tư số 40 sẽ mở ra hướng đi mới, giúp các cơ sở y tế tuyến xã, huyện nhanh chóng thay đổi để bắt kịp xu thế chung, tạo sự cạnh tranh bình đẳng và giúp người dân được hưởng lợi.

Thùy Hương

  • Từ khóa
53330

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu