Thứ 4, 24/04/2024 17:33:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:17, 28/06/2018 GMT+7

“Lỗ hổng” trong tiêm chủng trẻ em - Bài cuối

Thứ 5, 28/06/2018 | 08:17:00 244 lượt xem

>> Bài 1: Lo ngại trong phòng, chống dịch bệnh
>> Bài 2: Không thể chủ quan với tiêm chủng

ĐỂ BÌNH PHƯỚC KHÔNG CÒN LÀ “VÙNG TRŨNG”

BP - Một trong những yếu tố quan trọng nâng cao kết quả tiêm chủng là phải quản lý được đối tượng. Thời gian qua, Bình Phước chủ yếu vẫn quản lý thông tin đối tượng dựa vào mạng lưới y tế thôn và sổ theo dõi tại các trạm y tế xã. Tuy nhiên, cách quản lý này bộc lộ nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để khắc phục, Bộ Y tế đã triển khai áp dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

Thực hiện Công văn số 1466/BYT-DP của Bộ Y tế về triển khai áp dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, ngày 1-6-2017, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Điểm nổi bật của phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là mỗi đối tượng được quản lý thông qua mã số ID duy nhất được cấp, theo dõi việc tiêm chủng suốt đời. Đặc biệt, đối tượng tiêm chủng thay đổi chỗ ở vẫn được theo dõi trên hệ thống. Các thông tin về tiêm chủng của trẻ được cung cấp kịp thời tới gia đình cũng như nhà trường để giúp cán bộ nắm tình hình tiêm chủng của đối tượng và giúp người dân chủ động theo dõi lịch tiêm, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ. Ngoài ra, hệ thống còn giúp việc báo cáo thống kê kết quả tiêm chủng và quản lý vắc-xin nhanh chóng, kịp thời. Đơn vị y tế tuyến trên có thể theo dõi báo cáo ngay khi tuyến dưới hoàn thành nhập liệu, giúp giảm tải công việc và lượng hồ sơ, sổ sách cần lưu trữ nhờ hệ thống tự động hóa công tác quản lý tiêm chủng, vắc-xin, báo cáo. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân qua các tiện ích tin nhắn mời tiêm, nhắc lịch tiêm, đăng ký lịch tiêm chủng trực tuyến trong tương lai gần.

Nhân viên Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 5 tuổi - Ảnh: K.B

Ông Nguyễn Quang Hòa, phụ trách Trạm Y tế xã Đồng Tiến (Đồng Phú) cho biết: Phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia mang lại nhiều tiện ích cho cán bộ, y, bác sĩ và người dân vì kịp thời phát hiện những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ; nơi nào có tỷ lệ tiêm chủng thấp để triển khai các hoạt động hỗ trợ, vận động người dân tham gia, tạo hiệu quả cao nhất trong công tác tiêm chủng phòng bệnh. Tuy nhiên để phần mềm hoạt động hiệu quả cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp những thắc mắc trong quá trình thực hiện tại các đơn vị, nhất là nhân viên tiêm chủng cơ sở.

chủ động đưa tiêm chủng tới vùng xa

Để tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng, thời gian trước nhân viên y tế cơ sở đã mang vắc-xin đến tận nhà để tiêm. Nhưng từ khi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng có hiệu lực thì hoạt động này không còn nữa. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, nghị định này còn yêu cầu cơ sở tổ chức hoạt động tiêm chủng phải đạt chuẩn theo quy định và được cơ quan chuyên môn phê duyệt. Vì vậy, 2 năm nay các hoạt động tiêm chủng tăng cường về cơ sở trong tỉnh rất hạn chế. Để chủ động thực hiện nhiệm vụ, ngành y tế dự phòng đã tổ chức các đợt tiêm vét, tiêm bổ sung đối với những xã có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đến cuối năm 2017, Bộ Y tế thực hiện thí điểm “Mô hình hỗ trợ cộng tác viên dân số trong tiêm chủng mở rộng” tại 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng nhằm hỗ trợ thêm phụ cấp cho đội ngũ y tế “đi tận nhà, rà từng đối tượng” để quản lý chặt chẽ đối tượng tiêm chủng.

Nhân viên y tế phường Tân Phú (Đồng Xoài) tiêm chủng cho học sinh tiểu học trên địa bàn - Ảnh: S.H

Theo kết quả tiêm chủng trẻ em của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2012 đến nay, Bình Phước có 4/6 năm không đạt chỉ tiêu Trung ương giao (95%). Cụ thể, năm 2012 đạt 98%, năm 2013 đạt 91%, năm 2014 đạt 93%, năm 2015 đạt 93%, năm 2016 đạt 96%, năm 2017 đạt 89%. Riêng 5 tháng đầu năm 2018 đạt 30%, không đạt chỉ tiêu 40% Trung ương giao.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những năm gần đây, kinh phí dành cho công tác tiêm chủng không có nguồn hỗ trợ của địa phương; trong khi đó, năm 2016 nguồn kinh phí của Trung ương không đủ chi trả, chỉ đạt 70-80% so với thực tế, từ năm 2017 đến nay vẫn chưa có kinh phí... nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động. Vì vậy, để công tác tiêm chủng đạt kết quả cao, ngành y tế rất mong sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt dành cho đội ngũ y tế thôn. Bên cạnh đó, ngành y tế cấp tỉnh, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, giám sát đối tượng tiêm chủng, nhất là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, vùng khó khăn để dần lấp đầy “lỗ hổng” trong công tác tiêm chủng.

Phương Dung

  • Từ khóa
94403

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu