Thứ 7, 20/04/2024 22:40:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:56, 19/08/2018 GMT+7

Loạn giặc thời Tự Đức

Chủ nhật, 19/08/2018 | 09:56:00 1,079 lượt xem

BP - Dưới thời nhà Nguyễn, đất nước Việt Nam đã trở thành một quốc gia thống nhất về mặt lãnh thổ. Triều Nguyễn trong quá trình xây dựng và củng cố chính quyền luôn đặt vấn đề duy trì và bảo vệ vững chắc cương giới làm nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều vấn đề nảy sinh khiến triều đình gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó. Trong khoảng thời gian 1848-1883, dưới thời trị vì của vua Tự Đức, tình trạng mất ổn định về an ninh - quốc phòng đã diễn ra ở một số tỉnh biên giới phía Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Tuyên Quang và Quảng Yên.

Minh họa: S.H

Các tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta có đường biên giới giáp phía Nam Trung Quốc. Qua biên giới các tỉnh này, việc thông thương với Trung Quốc tương đối thuận tiện, song những vùng này có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt. Đây là địa bàn quan trọng trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ về quân sự nhưng do địa hình hiểm trở nên cũng hạn chế tầm nhìn, tầm bao quát của nhà nước phong kiến Trung ương, các nhóm phản loạn vì vậy dễ có điều kiện trú ẩn lâu dài. Đặc biệt, với tỉnh Quảng Yên vừa có đường biên giới phía bắc giáp Trung Quốc, lại có bộ phận phía đông nam giáp biển Đông. Nơi hội tụ nhiều dạng địa hình khác nhau, đồng bằng, đồi núi và hệ thống hải đảo, được coi là địa bàn điển hình nhất về dạng địa hình của các tỉnh biên giới phía Bắc.

Sau khi kế vị năm 1847, Tự Đức đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các tỉnh biên giới phía Bắc. Kế thừa kinh nghiệm xây dựng hệ thống quân sự ở thời Minh Mạng, ông tiếp tục củng cố ở tỉnh Quảng Yên nhiều ải lớn. Mặt khác, Tự Đức còn bổ nhiệm các chức quan từ kinh thành làm tổng đốc ở các tỉnh Hưng Hóa, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng để giữ yên biên cương phía Bắc. Giai đoạn 1848-1878 cũng là thời điểm xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc. Phổ biến là phong trào ở các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. Song điển hình nhất vẫn là những tổ chức lấy danh nghĩa tôn giáo để tập hợp nông dân chống lại triều đình. Sau một thời gian, triều đình Mãn Thanh tập trung quân đội đàn áp, các nhóm quân rơi vào thế đường cùng buộc phải tràn sang biên giới Việt Nam tìm nơi trú ẩn, trong đó có nhóm Tam Đường.

Tiền thân của nhóm Tam Đường là tổ chức Thiên Địa hội ở Trung Quốc. Trong những năm 1807-1851, Thiên Địa hội là một tổ chức lớn tiêu biểu cho các nhóm quân nổi dậy chống triều đình Mãn Thanh. Sau nhiều lần tập trung quân truy quét lực lượng này, nhà Thanh về cơ bản đã loại bỏ được những hạt nhân quan trọng của Hội Thiên Địa. Những tướng lĩnh cầm đầu của tổ chức này là Quảng Nghĩa Đường Lý Đại Xương, Đức Thắng Lưu Sỹ Anh, Lục Thắng Đường Hoàng Nhị Vãn... chạy sang Việt Nam.

Nhóm Tam Đường gây rối ở các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta bắt đầu bởi sự kiện tháng 11-1858, quân của Lục Thắng Đường quấy nhiễu ở Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn). Sau đó cánh quân của Hoàng Nhị Vãn nhân cơ hội tiến nhanh sang tỉnh Cao Bằng. Với 2.000 quân, Hoàng Nhị Vãn đã chiếm giữ các châu Thạch An, Thượng Hạ Pha, Bình Quân. Triều đình nhà Nguyễn đã phải nhiều lần tập trung binh lực và điều động các lãnh binh thay phiên nhau truy quét cánh quân của Hoàng Nhị Vãn, song vẫn chưa có hiệu quả. Phải mất 7 năm sau, tháng 5-1865, triều Nguyễn mới loại bỏ hoàn toàn các cánh quân này ra khỏi tỉnh Cao Bằng.

Từ nội dung của giai thoại trong bài cho người đương thời và hậu thế thấy rõ ý thức của triều đình, mà đứng đầu là vua Tự Đức, trong việc bảo vệ biên cương. Mỗi khi có sự tấn công của các nhóm phản loạn hay cướp bóc, Tự Đức luôn họp bàn với các quan quân để tìm ra phương pháp đối phó. Ông luôn tìm ra những biện pháp cấp bách để có thể đẩy lùi tình trạng bất ổn về an ninh - quốc phòng ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Thái độ của Tự Đức cũng như quan quân triều đình và địa phương trước sau đều kiên quyết bảo vệ vững chắc cương giới đất nước.

Lời bàn:

Từ thực tế lịch sử của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XIX, chúng ta phải thừa nhận rằng, trong thời gian trị vì, nhà Nguyễn  nói chung và vua Tự Đức nói riêng đã thi hành những chính sách cai trị làm tổn hại đến lợi ích và vận mệnh dân tộc như: “Bế quan tỏa cảng”; hà khắc với Thiên chúa giáo (cấm đạo và giết đạo); thực hiện nhỏ giọt hay phớt lờ các bản điều trần cải cách của các bậc sĩ phu yêu nước; đàn áp dã man các phong trào đấu tranh của nhân dân làm cho nguồn nhân lực, vật lực của đất nước ngày càng cạn kiệt, mâu thuẫn dân tộc ngày càng trở nên sâu sắc. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho thực dân Pháp xâm lược nước ta.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, ý thức hệ phong kiến, mà nền tảng là “Nho giáo”, đang chiếm vị thế độc tôn trong xã hội nên không chỉ riêng Tự Đức mà đa số các vị vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại cũng như đa số quan lại, sĩ phu lúc bấy giờ vẫn chưa thể vượt qua rào cản này. Hơn nữa, không phải Tự Đức không có ý thức bảo vệ dân tộc, ông cũng đã cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ đất nước và vương triều của mình nhưng do nhãn quan chính trị còn hạn chế nên chưa đưa ra được chính sách đúng đắn để giành thắng lợi trước một quốc gia thực dân lớn mạnh. Điều quan trọng hơn cả là vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn đã không thấy được sức mạnh của nhân dân, không tạo được sự đoàn kết toàn dân tộc để chống lại ngoại bang. Vì thế, các vua triều Nguyễn từ Tự Đức về sau đều trở thành bù nhìn.

ND

  • Từ khóa
110079

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu