Thứ 6, 29/03/2024 16:39:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:06, 13/04/2017 GMT+7

Lộc An bứt phá kinh tế - xã hội vùng biên giới, DTTS - Bài cuối

Thứ 5, 13/04/2017 | 10:06:00 3,138 lượt xem
BP - “Trong 2 cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, người Stiêng Lộc An có nhiều đóng góp về sức người, sức của để có được ngày hôm nay. Công lao to lớn của đồng bào Stiêng đã khắc sâu trong tiềm thức lớp lớp cán bộ chủ chốt xã Lộc An. Đó là nền tảng để xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn với mục tiêu bảo đảm an ninh, trật tự xã hội đi đôi với phát triển kinh tế bền vững ở xã dân tộc thiểu số (DTTS) biên giới đặc biệt khó khăn” - Bí thư Đảng ủy xã Lộc An Điểu Sơn nói.

>>Lộc An anh hùng - Bài 1

TẦM NHÌN CỦA LÃNH ĐẠO

Năm 2006, xã biên giới Lộc An là một trong 3 đơn vị (Bù Gia Mập, thị trấn Chơn Thành và Lộc An) được tham dự điển hình thi đua yêu nước do Bộ Công an tổ chức. Năm 2007, Lộc An - xã DTTS, biên giới đầu tiên trên địa bàn tỉnh ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135. Những thành tựu xã Lộc An hôm nay có được là nhờ Đảng bộ, chính quyền xã đã thực hiện đúng, sát với thực tế các chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đầu tư cho xã đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, tạo niềm tin trong nhân dân với Đảng, chính quyền.

Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trần Thị Ánh Tuyết tặng hoa chúc mừng Đại hội Đảng bộ xã Lộc An Nhiệm kỳ 2015-2020

Tự hào về đổi thay của bà con dân tộc S’tiêng Lộc An hôm nay, Bí thư Đảng ủy xã Điểu Sơn cho biết: Lộc An được thiên nhiên ưu đãi đất đỏ bazan phì nhiêu nhưng 30 năm trước sản xuất nông nghiệp của người S’tiêng chủ yếu tỉa lúa, bắp rẫy; cả xã có hơn 90% hộ trong diện đói nghèo. Xã chỉ có 1 điểm trường tiểu học nhưng khó khăn nhất vẫn là hệ thống giao thông từ trung tâm xã đi các thôn, ấp và đến huyện. Ngày đó, cán bộ xã đều được huyện trang bị xe đạp nhưng về ấp thì chỉ có thể đi bộ vì không có đường. Đường chỉ là những lối mòn len lỏi trong rừng hoặc qua nương rẫy của người dân.

Ngoài hoàn thiện hệ thống giao thông bằng lồng ghép nhiều nguồn lực xây dựng tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế thì giảm nghèo được Đảng bộ Lộc An xác định là nhiệm vụ trọng tâm để “trả ơn” những đóng góp to lớn của bà con S’tiêng trong các cuộc kháng chiến. Năm 1990, theo chủ trương của Đảng vận động bà con DTTS định canh, định cư, xóa bỏ tập tục du canh, du cư, Lộc An với sự hỗ trợ của Công ty cao su Lộc Ninh đã chuyển gần 90 ha vườn tạp của bà con S’tiêng sinh sống cặp hai bên đường liên xã để trồng cao su.

Bí thư Đảng ủy xã Điểu Sơn cho biết: “Những năm đó, giá bán mủ cao su thấp hơn giá thành sản xuất nhưng lãnh đạo xã đã có tầm nhìn xa, dự đoán tương lai tươi sáng của cây cao su trên đất đỏ bazan Lộc An để vận động bà con yên tâm trồng, chăm sóc. Nếu so với các xã lân cận thì diện tích định canh, định cư của bà con DTTS ở Lộc An hiệu quả cao nhất. Ngoài một số hộ sang nhượng vườn cây để có tiền định cư nơi khác (mua nhiều đất hơn) hoặc bán vườn vì đau ốm, bệnh tật, còn đa phần vẫn giữ được vườn cao su đến hết chu kỳ thanh lý, nay lại tiếp tục tái canh cao su.

Những năm đầu thế kỷ XXI, Đảng bộ xã Lộc An đã thành công trong định canh cho đồng bào DTTS nghèo. Đó là dự án xin huyện 100 ha ruộng lúa canh tác nhờ nước trời là các bàu nước ven rừng phòng hộ để cấp cho hộ nghèo dân tộc S’tiêng với 1 ha/hộ. Nhờ đó, người S’tiêng trong xã đã không lo bị đói mà còn dư lúa gạo để bán tăng thu nhập và phục vụ chăn nuôi.

Trên địa bàn Lộc An có Nông trường II, Nông trường IV (Công ty cao su Lộc Ninh) và Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) đứng chân, đã giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên trong xã.

Lộc An được Công ty cao su Lộc Ninh đánh giá là xã có nhiều công nhân dân tộc S’tiêng gắn bó với nông trường từ thực hiện chủ trương tuyển dụng công nhân cao su trong đồng bào DTTS tại chỗ của công ty những năm đầu thế kỷ XXI. Thiên nhiên ưu đãi cho Lộc An chất đất màu mỡ nên đã thu hút kinh tế trang trại cũng như doanh nghiệp tư nhân tìm đến đầu tư tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho người dân trong xã. Qua đó, Lộc An đã giải quyết tận gốc nạn thanh niên tụ tập nhậu nhẹt, cờ bạc, ăn chơi. Vì vậy, xã đã xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh trật tự nông thôn và biên giới.

TỰ HÀO LỘC AN HÔM NAY

Hiện diện tích cây lâu năm của Lộc An gần 2.500 ha, chủ yếu là cao su, hồ tiêu, trong đó hơn 1.000 ha hồ tiêu. Xã có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước và là nơi cung cấp giống hồ tiêu uy tín trong và ngoài tỉnh như Tây Nguyên, Đắk Nông nhờ kinh nghiệm và kiến thức tích lũy lâu năm về chăm sóc cây trồng khó tính này. Lộc An cũng đã xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu từ liên kết với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thành lập 3 câu lạc bộ sản xuất tiêu sạch bền vững với khoảng 60 thành viên tham gia.

Lộc An - địa chỉ cung cấp giống hồ tiêu cho vùng trọng điểm trồng tiêu Tây Nguyên, Đắc Nông

Về Lộc An hôm nay, con đường liên xã nối quốc lộ 13 với UBND xã vừa được sửa chữa láng nhựa lại, hai bên đường bà con phơi tiêu mùi thơm cay nồng phả trong nắng sớm. Hiện Lộc An còn 123 hộ nghèo và 57 hộ cận nghèo (theo tiêu chí mới) trong tổng số 1.720 hộ toàn xã. Hệ thống trường lớp khang trang từ bậc mầm non đến THCS, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Trong đó tiểu học có 552 em (364 em người DTTS); THCS 252 em (126 em DTTS). Mẫu giáo Ánh Dương vận động 100% trẻ ra lớp với 170 cháu (38 cháu DTTS), đạt 100%.

Bí thư Điểu Sơn tự hào: Bà con DTTS Lộc An hôm nay đã bỏ được các tập tục lạc hậu, so với các xã lân cận thì người S’tiêng ở Lộc An từ lâu đã không còn chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới nhà sàn; tin theo bác sĩ chứ không phải thầy mo cúng ma khi đau ốm. Đó cũng là thành quả từ công tác tuyên truyền của cả hệ thống chính trị phối hợp với Trạm quân dân y (Đồn biên phòng Lộc An).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, phấn đấu xây dựng xã biên giới, DTTS Lộc An mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, đi đầu trong giảm nghèo, năm 2020 đạt chuẩn xã nông thôn mới. Các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 20-22%, đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4%; 95% gia đình văn hóa mỗi năm. Chương trình đột phá: Tranh thủ huy động các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện quy hoạch khu dân cư, vùng sản xuất và nguồn nước thủy lợi phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Phương Hà

  • Từ khóa
1342

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu