Thứ 3, 23/04/2024 15:20:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:59, 27/03/2015 GMT+7

Lộc Ninh gỡ nút thắt trong xây dựng nông thôn mới từ Đề án 03 (Bài cuối)

Thứ 6, 27/03/2015 | 07:59:00 195 lượt xem

MỘT CÁCH LÀM HAY VÀ LÀ KINH NGHIỆM HỮU ÍCH

>> Bài 1: Những con đường kiểu mẫu của ý Đảng - lòng dân

BP - Sau hơn 6 tháng triển khai Đề án 03/ĐA-UBND của UBND huyện Lộc Ninh làm đường giao thông theo phương thức “nhân dân thực hiện công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”, kết quả đem lại từ những công trình đã triển khai vượt sự mong đợi của cả chính quyền và nhân dân: Công trình thực hiện nhanh, giá thành thấp nhưng chất lượng tốt. Đề án 03 sẽ gỡ nút thắt về tiêu chí giao thông chương trình xây dựng nông thôn mới. Lộc Ninh phấn đấu năm 2020 sẽ bê tông và cứng hóa toàn bộ đường nông thôn trên địa bàn. Tạo sự đồng thuận của nhân dân để tận dụng trí tuệ, sức mạnh toàn dân làm đường giao thông. Đề án 03 của Lộc Ninh là cách làm hay để các đơn vị khác trong tỉnh tham khảo, rút kinh nghiệm.

Đủ vật tư, 9 tuyến đường với chiều dài 4km ở ấp 3B, xã Lộc Thuận trong 1 tháng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng

ĐỔI MỚI BỘ MẶT NÔNG THÔN

Mùa Xuân này, 10 hộ trồng hoa ở tổ 3, ấp 6, xã Lộc Thái phấn khởi vì nhờ con đường bê tông sạch đẹp, dễ đi mà đã có thêm nhiều khách hàng vào tận nhà mua sỉ, lẻ. Ông Tăng Văn Khoa, Phó bí thư Chi bộ ấp 6 cho biết: Bê tông hóa 300m đường tổ 3 là công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp của nhân dân ấp 6. Đường do hội nông dân tự quản, có thêm hệ thống đèn thắp sáng nên người dân và các phương tiện dễ dàng lưu thông mỗi khi đêm xuống. Công trình thi công chỉ trong 1 tuần là hoàn thành. Là khu dân cư chủ yếu sống bằng nghề trồng hoa, nhưng trước đây con đường nhỏ, lầy lội và gồ ghề nên theo thiết kế công trình tổ 3 có mặt đường rộng 3m, trong đó bê tông 1,6m. Sau nhiều lần họp khu dân cư, các hộ dân bàn bạc, thống nhất đóng thêm tiền và dỡ hàng rào để mở rộng thêm mặt đường mỗi bên thêm 0,5m. Nhờ đó đã nâng mặt đường bê tông lên 2,1m.

Những con đường bê tông mới đưa vào sử dụng ở các ấp 6C, 5A đã làm thay đổi bộ mặt xã biên giới Lộc Tấn rộng và có địa hình phức tạp nhất của huyện Lộc Ninh. Nếu Đề án 03 tiếp tục thực hiện thì đến năm 2020 Lộc Tấn sẽ bê tông và cứng hóa tất cả các tuyến giao thông trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tấn Nguyễn Đức Thân

Khi đường đã làm xong, nhân dân hiến kế đóng góp thêm tiền mua 600m dây, 9 bóng đèn thắp sáng đường, thuận lợi cho việc lưu thông mỗi khi đêm xuống. Có đường đẹp xóm làng khang trang, nhà nhà sửa sang cổng ngõ. Nhờ có hệ thống đèn đường nên mỗi buổi sáng cả xóm từ người lớn đến thanh thiếu niên đều đi thể dục chuyện trò vui vẻ, đoàn kết khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Mỹ ở tổ 6, ấp 2 phấn khởi: Khu vực này ngày trước mùa mưa đến là ngập úng, có khi lên đến 1,5m nên đường luôn trong tình trạng lầy lội. Nhờ Nhà nước hỗ trợ, khu dân cư chúng tôi mới có con đường bê tông sạch đẹp, không sợ bị lầy lội vào mùa mưa, mùa khô không bị bụi đỏ tấp vào nhà. Con đường bê tông 316m của tổ 6 thi công trong 4 ngày. Bí thư Chi bộ Trần Văn Chánh cho biết: “Người dân phấn khởi tham gia giám sát và tưới nước hàng ngày đoạn đi qua nhà mình để bảo dưỡng đường”.

GỠ NÚT THẮT TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI

Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thái Nguyễn Văn Bình cho biết: Nếu được hỗ trợ vật tư như Đề án 03 thì đến năm 2015 Lộc Thái hoàn thành sỏi đỏ và bê tông hóa toàn bộ 31 tuyến đường giao thông liên thôn, liên tổ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Cuối năm 2014, Lộc Thái đã hoàn thành 10/19 tiêu chí của chương trình nông thôn mới.

Nhờ giảm các phí như thiết kế kỹ thuật, giám sát... làm đường theo phương thức “Nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư” ở Lộc Ninh đã giảm trên 50% kinh phí đầu tư. Công trình thi công nhanh, chất lượng tốt nhờ giám sát đồng bộ từ hộ gia đình đến ban ấp, xã, huyện. Nhân dân phấn khởi tham gia công trình khi quy chế dân chủ cơ sở đi vào thực tiễn.

Mạng lưới giao thông đường bộ của huyện Lộc Ninh hiện có chiều dài khoảng 1.202km, trong đó đường huyện dài 182,2km, đường xã 584,5km, đường đô thị 35,9km và khoảng 400km đường chuyên dùng. Ngoài trục đường chính QL13, các con đường liên xã được Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh nhựa hóa và rải sỏi đỏ; huyện lồng ghép nhiều chương trình để có kinh phí đầu tư làm đường nhựa vào trung tâm các xã, sỏi đỏ đường liên thôn. Nhiều con đường hàng năm tuy được sửa chữa bảo dưỡng nhưng do địa hình dốc lớn nên chỉ qua 1 mùa mưa là xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân.

Năm 2014, ngoài 450 tấn xi măng tỉnh phân bổ làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù, Lộc Ninh là huyện duy nhất trong tỉnh được cấp thêm 530 tấn để hoàn thành bê tông hóa 15 công trình, chiều dài 10km ở các thôn, ấp đã đăng ký thực hiện theo Đề án 03, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ vật tư gồm: đá, cát, xi măng với tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng; nhân dân đóng góp tiền và ngày công lao động với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng.

Năm 2015, UBND huyện Lộc Ninh tiếp tục đăng ký mua 2.000 tấn xi măng, hơn 5.000 khối đá, 1.000 khối cát để bê tông hóa khoảng 20km đường giao thông các thôn, ấp đã đăng ký và duyệt thiết kế thi công theo danh sách. Nếu làm đường theo cơ chế đặc thù tiếp tục thực hiện thì đến năm 2020, Đề án 03 sẽ gỡ được nút thắt về tiêu chí giao thông của chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lộc Ninh.

TRONG CÁI KHÓ, LÓ CÁI KHÔN

Giao thông là tiêu chí khó nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Lộc Ninh. “Trong cái khó ló cái khôn”, giữa năm 2014, Lộc Ninh đã xây dựng Đề án 03/ĐA-UBND, làm đường theo phương thức “Nhân dân thực hiện công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư” đã tạo được không khí phấn khởi trong nhân dân. Theo đó, UBND xã tuyên truyền, phổ biến chính sách đầu tư của huyện; tổ chức họp dân, công bố mức hỗ trợ của nhà nước và mức đóng góp của nhân dân. Căn cứ trên chỉ tiêu được phân bổ, UBND xã giao chủ đầu tư là Ban phát triển ấp tổ chức lập dự toán thi công theo thiết kế mẫu của Bộ Kế hoạch - đầu tư và có thẩm định của Phòng Kinh tế - hạ tầng. Ngoài xi măng tỉnh hỗ trợ theo phương thức trả chậm để làm đường theo cơ chế đặc thù, UBND huyện Lộc Ninh hỗ trợ đá, cát hoặc sỏi đỏ chở về các khu dân cư. Nhân dân làm công trình, hiến đất, giải phóng mặt bằng, tiền, ngày công, thuê nhà thầu thực hiện công trình theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Phương Hà

  • Từ khóa
92597

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu