Thứ 7, 20/04/2024 21:30:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:08, 07/05/2015 GMT+7

Lộc Quang: Xây dựng nông thôn mới theo cách của xã nghèo

Thứ 5, 07/05/2015 | 07:08:00 539 lượt xem
BP - Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Ninh, những năm qua, đảng ủy xã Lộc Quang nhận thức sâu sắc nhiệm vụ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM) và đã làm theo cách của một xã nghèo. Đó là lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với xây dựng NTM. Do xuất phát điểm thấp, hiện Lộc Quang mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí NTM, nhưng cách làm của Lộc Quang là kinh nghiệm đối với các xã nghèo không chỉ ở Lộc Ninh.

Ban Dân tộc và Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát công tác giảm nghèo tại xã Lộc Quang

Giảm nhanh hộ nghèo

Trong đợt giám sát công tác giảm nghèo theo Nghị quyết số 06 và Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, điều khiến đoàn giám sát của HĐND tỉnh ngỡ ngàng là trong năm 2014, Lộc Quang đã giảm được 121 hộ nghèo - một con số khá ấn tượng đối với một xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng chí Lê Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: 14 chương trình hỗ trợ hộ nghèo và đồng bào DTTS đã được xã lồng ghép thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết các hộ nghèo và đồng bào DTTS trên địa bàn xã đều được tiếp cận các chương trình, dự án giảm nghèo. Mỗi đoàn thể đều được giao nhiệm vụ “đỡ đầu” các hộ nghèo. Điều khiến đoàn giám sát khá hài lòng là cho dù trong báo cáo của xã không được đầy đủ các số liệu, nhưng khi đoàn đặt các câu hỏi thì từ bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, phó bí thư đảng ủy - chủ tịch HĐND xã đến trưởng các đoàn thể xã đều trả lời nhanh các câu hỏi. Điều đó cho thấy các đồng chí lãnh đạo nắm bắt tốt các vấn đề của xã, trong đó có công tác giảm nghèo.

Từ năm 2011-2014, hội phụ nữ đã tổ chức 41 buổi chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên, mỗi lớp có khoảng 50 hội viên tham gia. Sau khi mở lớp, hầu hết học viên đều tìm được việc làm (cạo mủ cao su). Với dự án nuôi bò, từ tình hình thực tế là sau khi bò mẹ sinh bê con thì các hộ được giao ban đầu không chú ý chăm sóc vì sẽ phải giao cho hộ khác, xã đã xin ý kiến UBND huyện sau 3 năm giao luôn bò mẹ cho hộ được giao ban đầu. Hiện toàn xã có 62 hộ nghèo được đầu tư mỗi hộ 1 bò cái giống, trong đó 18 bò đã sinh bê con, một số con đang có thai. Các chương trình mua BHYT cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nước sạch; hỗ trợ vốn chính sách cho hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện; đặc biệt là hỗ trợ đất theo Chương trình 1592 (xã có 26 hộ được hỗ trợ 5 sào đất sản xuất/hộ)... đều được thực hiện đúng theo chính sách của Nhà nước. Riêng chương trình hỗ trợ trực tiếp cho học sinh nghèo, năm học 2013-2014, toàn xã có 16 học sinh THCS được hỗ trợ 5,39 triệu đồng; 132 học sinh tiểu học được hỗ trợ 65,52 triệu đồng và 18 học sinh mẫu giáo được hỗ trợ 7,98 triệu đồng. Qua kiểm tra, tất cả các chính sách hỗ trợ người nghèo đều được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và vận động sức dân

Đầu năm 2014 toàn xã còn 274 hộ nghèo, 74 hộ cận nghèo. Đến đầu năm 2015 giảm còn 157 hộ nghèo, 93 hộ cận nghèo. Dù đã giảm nhanh, nhưng tỷ lệ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã vẫn cao (10,03%) là điều khiến cấp ủy, chính quyền xã trăn trở.

Là xã nghèo, vận động sức dân khó khăn nên đảng ủy xã đã chỉ đạo lồng ghép chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Từ 4 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình 135, xã đã xây dựng Trường tiểu học Lộc Quang với 8 phòng lầu theo hướng trường chuẩn quốc gia, bảo đảm tiêu chí giáo dục. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2010 đến nay, xã đã vận động nhân dân hiến đất xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tại các ấp Tam Nguyên, Bồn Xăng, Việt Tân. Tổng kinh phí xây dựng các nhà văn hóa là 1,45 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp mỗi ấp 1.000m2 đất và 50 triệu đồng. Trong 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, nhân dân đã đóng góp tiền, ngày công tu sửa, nâng cấp 40km đường giao thông nông thôn...

Trên địa bàn xã có đập thủy lợi Lộc Quang và một phần đập Thủy điện Srok Phu Miêng, có kênh chính dài 5km, kênh nội đồng dài 12km. Hệ thống kênh mương này cấp nước tưới 2 vụ lúa và một số diện tích cây ăn trái, hoa màu cho các ấp trong xã và một phần ấp Bù Nồm của xã Lộc Phú. Tuy nhiên, do đường dẫn xa nên một vài khu vực thiếu nước vào mùa khô. Xã đã huy động nhân dân các ấp hằng năm nạo vét kênh mương để bảo đảm nước tưới. Năm 2013, nhà nước đầu tư nâng cấp 1km kênh chính với kinh phí 2 tỷ đồng và năm 2014 xây dựng mương kè Chảng Dầu ấp Bồn Xăng dài 980m với kinh phí 1 tỷ đồng. Những công trình thủy lợi nói trên đã tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn xã. Vì thế hằng năm, xã thường xuyên phối hợp Công ty thủy nông Bình Phước và Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn để phục vụ tốt nhất nhu cầu tưới tiêu; đồng thời kiểm tra an toàn các hồ đập để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Thời điểm này, Lộc Quang đã hoàn thành 8/19 tiêu chí NTM, gồm: quy hoạch, thủy lợi, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị và an ninh trật tự.    

Đồng chí Nguyễn Quang Chu, Bí thư đảng ủy xã cho biết: Khi xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, tiểu ban nội dung rất cân nhắc các mục tiêu về vận động sức dân xây dựng NTM. Tuy nhiên đảng ủy xã vẫn thống nhất cao chương trình xã hội hóa các dự án xây dựng chợ, bê tông hóa đường liên ấp, xóa cầu cống tạm trên địa bàn. Xã sẽ đề nghị cấp trên xây dựng đường điện theo cơ chế Tây Nguyên và xây dựng hệ thống nước sạch khu dân cư tập trung khu vực ngã tư Con Nai; đồng thời xây dựng tuyến đường mới nối từ đường quy hoạch ĐT760 đi ấp Bù Tam đấu nối với đường ĐT756 theo đề án quy hoạch NTM. Xã cũng sẽ đề nghị cấp trên xây dựng nhà máy xử lý nước sạch phục vụ cho 4 ấp có dân cư tập trung từ nguồn nước của hồ thủy lợi.

Bảo Khanh

 

  • Từ khóa
53798

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu