Thứ 6, 29/03/2024 05:32:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:27, 12/05/2014 GMT+7

Vay tài chính: Lợi bất cập hại

Thứ 2, 12/05/2014 | 14:27:00 601 lượt xem

Nắm bắt được tình hình mua sắm và tiêu dùng hiện nay, nhiều công ty tài chính đã hỗ trợ cho vay tiêu dùng đơn giản thủ tục và thời gian. Dịch vụ này đang được nhiều người lựa chọn. Nhưng đến kỳ thanh toán, tất cả khách hàng mới ngã ngửa vì mức lãi suất còn cao hơn cho vay nặng lãi.

Vay tài chính và tiêu dùng đang được coi là một giải pháp hấp dẫn với rất nhiều người tiêu dùng và cả các đơn vị kinh doanh bán lẻ. Vì nó hỗ trợ người vay về vốn và là đòn bẩy thúc đẩy mua sắm tiêu dùng. Tuy nhiên, gần đây đã xảy ra nhiều vấn đề giữa công ty tài chính và khách hàng về việc vay thì dễ, trả lại... rất khó.

Công ty tài chính hay công ty cho vay nặng lãi?

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có nhiều công ty tài chính hoạt động, nhưng nổi trội có Công ty TNHH MTV Tài chính PPF. Trụ sở chính ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng các “điểm đóng quân” của công ty đã vươn khắp cả nước. Ở thị xã Phước Long, Công ty PPF đã có mặt ở tất cả những cửa hàng lớn bán hàng tiêu dùng, như: Thế giới di động, Viettel, Công ty TNHH Tân Tiến Phát (kinh doanh xe gắn máy)... Lĩnh vực hoạt động của công ty khá đa dạng: cho vay tiêu dùng, vay mua nhà, mua xe. Thậm chí cho vay tiền mặt và nhận tiền gửi.

Thời gian qua, công ty tài chính này gặp không ít rắc rối với khách hàng xung quanh chuyện lãi suất, ứng xử, đòi nợ và những điều rối rắm trong hợp đồng.

Nhân viên công ty cho vay tài chính PPF (Home Credit) tư vấn cho khách hàng vay trả sau với mức lãi suất không khỏi giật mình.
Ảnh chụp ngày 7-5, tại Viettel Đồng Xoài trên đường Phú Riềng Đỏ

Nguyễn Thị Nguyệt, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh muốn có một chiếc điện thoại thông minh cho bằng bạn bè. Để có số tiền lớn một lúc thì Nguyệt không có, nhưng nếu chia lẻ ra trả làm nhiều lần, chi tiêu tiết kiệm số tiền gia đình gửi hàng tháng chi phí sinh hoạt để trả góp thì có thể. Vì vậy Nguyệt đã giấu gia đình mua chiếc điện thoại giá 3,98 triệu đồng. Hai tháng đầu, Nguyệt góp đúng kỳ, đến tháng thứ 3 vì chi tiêu quá tay nên không còn tiền đóng. Bộ phận tổng đài của công ty đã gọi cho gia đình Nguyệt yêu cầu đóng tiền thay (số điện thoại do Nguyệt cung cấp khi làm hợp đồng). Biết chuyện Nguyệt mua điện thoại chỉ gần 4 triệu đồng nhưng lãi suất phải trả hơn 1 triệu đồng thì gia đình đề nghị công ty cho kết thúc hợp đồng sớm với mong muốn giảm được chút ít tiền lãi. Thế nhưng gia đình Nguyệt vẫn phải đóng đủ 4 tháng tiền lãi, không được bớt 1 xu.

Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi đến một siêu thị điện máy ở thị xã Phước Long và vào vai khách hàng muốn mua máy tính bảng nhưng không đủ tiền. Chúng tôi được một nhân viên Công ty PPF tư vấn với giọng rất ngọt ngào về việc mua trả góp. Cách thức mua rất đơn giản: Chỉ cần đưa ra chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe và 5 số điện thoại trong đó có số của người thân, chờ khoảng 1 giờ là xong. Tôi được tư vấn về các gói 6, 9, 12 và 15 tháng, gói càng lâu lãi càng cao. Thấy cô nhân viên lấy ra một bộ hợp đồng dày cộm và phải ký đến 6 chữ ký, chúng tôi thận trọng dò từng trang mục và từng điều, khoản trong bản hợp đồng. Khi hỏi về tiền lãi thì cô nhân viên nói quanh, rồi “làm xong hợp đồng em sẽ phổ biến anh chị nghe”. Và vì chúng tôi liên tiếp hỏi nên cô nhân viên  cũng phải nói. Không thể chấp nhận mức lãi này, chúng tôi xin rút và không hẹn ngày quay lại.

Kiểu đòi nợ chợ búa và lãi mẹ đẻ lãi con!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các công ty tài chính có 2 bộ phận tiếp xúc với khách hàng, một trực tiếp và một gián tiếp. Trái ngược với sự niềm nở vui vẻ của các nhân viên tư vấn dịch vụ là kiểu ăn nói rất chợ búa của nhân viên tổng đài nhắc nợ.

Bộ phận trực tổng đài chuyên nhắc nợ có một đội ngũ hùng hậu, công việc chính là gọi cho khách hàng báo tới ngày đóng tiền. Dù còn 3-5 ngày nữa mới tới hạn nhưng bộ phận này đã cho người gọi nhắc liên tục. Nhân viên nhắc nợ nói chuyện khiếm nhã và dùng những lời nói đe dọa khách hàng khi họ đóng trễ. Những nhân viên này gọi không kể ngày đêm, bằng rất nhiều số điện thoại khác nhau, gọi tới khi nào nhận được thông báo từ phía ngân hàng là đã đóng tiền mới thôi. Hợp đồng có bao nhiêu tháng là bấy nhiêu tháng khách hàng phải chịu sự làm phiền của công ty này, cho dù đóng đúng hay trễ hẹn đều như nhau.

Giá chiếc máy tính bảng tại siêu thị là 7,333 triệu đồng, tôi phải trả trước 30% là 2,2 triệu đồng, còn nợ lại 5,133 triệu đồng. Nếu chọn gói trả góp 6 tháng, tôi phải đóng cho ngân hàng mỗi tháng 1,298 triệu đồng.
 
Với một phép tính đơn giản có thể tính ngay được sau 6 tháng x 1,298 = 7,788 triệu đồng + 2,2 triệu đồng trả trước = giá chiếc máy tính bảng là 9,988 triệu đồng. Tiền lãi 6 tháng của khoản nợ 5,133 triệu đồng là 2,655 triệu đồng - tương đương lãi suất bình quân 8,62%/tháng, nếu tính thành 12 tháng tương đương 103,44%/năm.

Chưa hết, chỉ cần khách hàng đóng trễ 3 ngày trong hợp đồng sẽ bị phạt rất nặng, còn hơn đi vay nóng và lãi mẹ đẻ lãi con rất khủng khiếp. Điều đặc biệt là khách hàng không có một số điện thoại hay một cách thức nào để liên lạc ngược lại với lãnh đạo công ty cho vay để trình bày thắc mắc hay bức xúc. Số điện thoại tổng đài chỉ có thể gọi đi mà không thể gọi đến. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp nhầm lẫn, như đã trả hết nợ vẫn bị điện thoại réo gọi, tính lãi suất sai so thực tế... Và nạn nhân trong những trường hợp này là khách hàng cùng người thân của họ.

Trên các diễn đàn xã hội, nhiều trang web cảnh báo được thành lập, thành viên tham gia lên đến hàng ngàn người. đa số họ đều là những nạn nhân của các công ty tài chính, đặc biệt là Công ty PPF. Nhiều khẩu hiệu như “Cộng đồng chung tay cảnh giác với các tổ chức tài chính” hay “Hãy bảo vệ cộng đồng bằng cách chung tay vạch ra bộ mặt thực sự của những công ty tài chính chuyên hút máu người”. Mục đích của các trang web cũng như bài viết này là nhằm khuyến cáo những người chưa hoặc đang có ý định mua hàng trả góp hay vay tài chính của các công ty tài chính hãy cân nhắc kỹ và thận trọng trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Mỹ Dung

  • Từ khóa
37414

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu