Thứ 4, 24/04/2024 04:02:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:11, 19/02/2015 GMT+7

Những năm Mùi trong lịch sử dân tộc

Thứ 5, 19/02/2015 | 13:11:00 4,237 lượt xem

BP - Năm Tân Mùi - 971: Vua Đinh Tiên Hoàng tiến hành cải cách sâu rộng bộ máy nhà nước, đặt phẩm cấp cho quan văn võ, ban đặc hiệu cho các đại sư.

Mùa xuân năm Quý Mùi - 983: Mùa Xuân, quân đội Lê Hoàn tổng phản công giặc Chiêm Thành, thắng lợi rực rỡ, chiếm trọn kinh đô Indrapura (Đồng Dương - Quảng Nam ngày nay) của chúng. Cũng năm này, đào xong con sông nối liền Đồng Cổ (Hà Nội) với Ba Hòa (Thanh Hòa), khiến giao thông đường thủy mọi mặt đều thuận tiện.

Năm Tân Mùi - 791: Phùng Hưng (người Đường Lâm - Sơn Tây, nay là Hà Nội) đã dấy binh đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường. Cuộc khởi nghĩa nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người dân từ khắp các miền đất Giao Châu. Thoạt đầu, anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi nghĩa quân tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc. Nhân dân tôn ông là Bố Cái Đại Vương.

Năm Đinh Mùi - 1247: Triều Trần chấn chỉnh toàn diện nền giáo dục, tạo lập các hình thức thi cử, đào tạo mới. Tháng 3, thi thái học sinh (tiến sĩ), lần đầu đặt ra “tam khôi” (ba bậc đỗ, đứng đầu: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa), lấy 48 người đỗ để bổ nhiệm làm quan theo nhiều thứ cấp khác nhau. Tháng 9 thi tam giáo, không chỉ dành cho con cái các nhà theo Nho, Phật, Lão như trước mà cho cả những người khác nếu họ muốn thi và thông hiểu ba loại đạo này.

Năm Quý Mùi - 1283: Vua Trần tổ chức tập trận thủy bộ quy mô lớn, trao quyền thống lĩnh quân đội cho Trần Quốc Tuấn, gấp rút chuẩn bị lực lượng để kiên quyết chống trả 50 vạn quân Nguyên - đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ - sắp sang xâm lược nước ta.

Năm Quý Mùi - 1403: Triều Hồ thực thi chính sách khuyến khích khai hoang và định cư; cải cách triệt để trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, y tế và đo lường.

Năm Đinh Mùi - 1427: Xảy ra trận đại chiến ở Chi Lăng - Xương Giang (từ ngày 8-10 đến 3-11). Đây là trận đánh quyết định của nghĩa quân Lam Sơn và đã tiêu diệt phần lớn đội quân xâm lược của nhà Minh do Liễu Thăng cầm đầu ở Chi Lăng. Sau đó, nghĩa quân vây thành Đông Quan (tức Thăng Long) buộc Tổng binh Vương Thông ra hàng. Ngày 29-12, 10 vạn hàng binh của giặc rút khỏi nước ta, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Nghĩa quân Lam Sơn đã đập tan ý định xâm lược của quân Minh, buộc nhà Minh phải thừa nhận nền độc lập của đất nước.

Năm Quý Mùi - 1463: Triều Lê thực thi những cải cách quan trọng, tiến bộ về giáo dục và pháp luật.

Năm Ất Mùi - 1475: Triều Lê ban hành nhiều chính sách chấn chỉnh, phát triển nông nghiệp và công quyền. Lệnh cho cả nước sửa, đắp đê đập, đặt các chức quan khuyến nông, hà đê; định lệ thi tuyển quan lại và đặc biệt là thiết lập quy chế trừng trị nặng tội tham nhũng.

Năm Ất Mùi - 1775: Nghĩa quân Tây Sơn nhanh chóng lớn mạnh, đánh đuổi chúa Nguyễn chạy vào Nam, tạm hòa hoãn rồi tiến ra đánh tập đoàn chúa Trịnh ngoài Bắc.

Năm Đinh Mùi - 1787: Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn toàn thắng, Nguyễn Huệ thống nhất lãnh thổ quốc gia và chuẩn bị lên ngôi hoàng đế.

Năm Đinh Mùi - 1907: Tháng 3, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập, tập hợp những nhân sĩ yêu nước, trí thức tiến bộ, hoạt động văn hóa - xã hội sôi nổi, trở thành một phong trào ái quốc tiêu biểu và canh tân mạnh mẽ.

Năm Kỷ Mùi - 1919: Có 3 sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ: Ngày 20-4, Tôn Đức Thắng - sau này là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, khi đó là thủy thủ hải quân Pháp đã tham gia cuộc binh biến ở biển Đen, ủng hộ nước Nga Xô Viết mới thành lập.

Ngày 15-5, triều đình phong kiến nhà Nguyễn mở khoa thi Nho học cuối cùng, lấy 7 tiến sĩ và 16 phó bảng.

Ngày 16-6, Nguyễn Tất Thành - sau này là Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chính thức lấy tên là Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản “Yêu sách 8 điểm” của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị Véc-xây (Pháp).

Năm Tân Mùi - 1931: Mùa Xuân năm này đã bùng nổ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhân dân miền Trung vùng dậy đấu tranh quyết liệt, đánh phá chính quyền cai trị của thực dân Pháp, giành quyền thắng lợi quan trọng và đây được coi là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là năm chứng kiến chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp đã gây cho cách mạng Việt Nam những tổn thất lớn.

 Ngày 19-4, đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Ngày 6-9 đồng chí hy sinh trong tù.

Ngày 6-6, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị đế quốc Anh bắt ở Hương Cảng và bị tòa án thực dân Pháp ở Đông Dương xử tử hình vắng mặt.

Ngày 9-2, trong buổi mít tinh kỷ niệm 1 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bội Châu đang diễn thuyết tại quảng trường Lareni. Tuy nhiên, sau đó ông đã bị bắt giam vào Khám Lớn và bị kết án tử hình ngày 20-11 khi mới 17 tuổi. Sự kiện này làm dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Khám Lớn khiến từ đó cai ngục tại đây luôn gọi Lý Tự Trọng là “Ông Nhỏ”.

Năm Quý Mùi - 1943: Ngày 25-2, Hội nghị Trung ương Đảng thông qua bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo, vạch ra đường lối xây dựng nền văn hóa mới với phương châm cơ bản là dân tộc, khoa học, đại chúng. Tháng 4 thành lập Hội Văn hào cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh đã thu hút đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ tham gia cách mạng. Sự kiện thứ hai là Bác Hồ viết Nhật ký trong tù (trong nhà lao của chính quyền Tưởng Giới Thạch).

Năm Ất Mùi - 1955: Ngày 1-1, nhân dân Hà Nội nhiệt liệt chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trở về thủ đô. Ngày 16-5, đội quân thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi đảo Cát Bà (Hải Phòng), miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Tại miền Nam, ngày 3-7 công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn mở đầu phong trào đấu tranh rầm rộ đòi hiệp thương, hòa bình thống nhất đất nước.

Năm Đinh Mùi - 1967: Quân và dân ta ở hai miền lập những chiến công vang dội, thắng lợi cả về quân sự lẫn chính trị. Ngày 15-2, Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ Johnson, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, khẳng định sự quyết chiến quyết thắng của Việt Nam. Ngày 25-11, quân và dân Hải Phòng bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.600 trên miền Bắc.

Mùa xuân năm Kỷ Mùi - 1979: Quân và dân ta kiên cường giáng trả các cuộc xâm lấn ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, chiến thắng vẻ vang, bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Cuối tháng 9, Trung ương Đảng ra nghị quyết về cải cách giáo dục, mở đầu cho công cuộc cải cách giáo dục - đào tạo lâu dài và mạnh mẽ.

Năm Tân Mùi - 1991: Ngày 26-4, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII khai mạc. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, xã hội; phát triển nhanh khoa học - kỹ thuật, công nghệ; chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Năm Ất Mùi - 2015: Là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn và sự kiện chính trị trọng đại của đất nước: 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.       

PV

  • Từ khóa
12610

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu