Thứ 6, 26/04/2024 11:41:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:32, 30/10/2014 GMT+7

Lỗi không chỉ ở các em!

Thứ 5, 30/10/2014 | 08:32:00 144 lượt xem

BP - Những ngày qua, dư luận xôn xao với sự kiện cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất có nội dung không chính xác, thiếu lành mạnh, phản văn hóa, làm hoen ố tiếng Việt và đã tồn tại suốt 14 năm qua nhưng giờ mới bị phát hiện. Vì sự kiện này, Cục Xuất bản, in và phát hành Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã phải ban hành cùng lúc 4 quyết định thu hồi và tiêu hủy cuốn từ điển. Cục này cũng yêu cầu Sở TT-TT các tỉnh, thành có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh”; các cơ sở phát hành sách không phát hành và các thư viện trên toàn quốc không lưu trữ, không luân chuyển, không phục vụ bạn đọc.

Xin trích một vài giải nghĩa trong cuốn từ điển này để bạn đọc thấy rõ sự ngô nghê: Cao ráo được giải nghĩa là cao và khô ráo; Châu ngọc: Hạt châu và hạt ngọc; Quản giáo: Người coi giáo đường hay tu viện; Sử xanh: Sách vở xưa chép trên lá cây; Bản sắc: Sắc màu tự nhiên; Bế mạc: Chấm dứt buổi hát; Bồ bịch: Bạn bè thân thích; Đĩ điếm: Đĩ và điếm... Với hàng trăm khái niệm được giải nghĩa sai hẳn về bản chất, thậm chí thô tục, phản văn hóa như thế, không biết 14 năm qua, cuốn từ điển của tác giả Vũ Chất đã làm hỏng bao nhiêu thế hệ học trò!?

Làm nghề viết, hàng ngày tôi phải đọc rất nhiều bản thảo, trong đó có những trang do sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học khối xã hội - nhân văn đang thử việc hoặc mới được ký hợp đồng thể hiện. Không phải tất cả nhưng hầu hết các em mắc nhiều lỗi về ngữ pháp, chính tả. Có em xin vào cơ quan báo với lá đơn: Kính gửi ông giám đốc Báo Bình Phước. Chưa kể đến chữ xấu như gà bới, ngay chức danh của người đứng đầu cơ quan mình định xin vào cũng không biết. Có em lẫn lộn giữa năng suất với sản lượng, sinh sản với sinh đẻ. Còn lỗi diễn đạt, sử dụng dấu câu, dấu hỏi - ngã, ch - tr, l - n, s - x...thì nhiều vô kể. Không biết suốt mấy năm trên giảng đường đại học, các em đã dành thời gian cho những việc gì mà kỹ năng quan trọng nhất đối với sinh viên các ngành khoa học xã hội - nhân văn, là viết lại yếu đến vậy!

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Sinh viên giờ học trên máy vi tính, rất ít sử dụng bút viết nên chữ xấu là phải. Việc tìm tài liệu phục vụ học tập cũng dễ dàng hơn vì có trên mạng, chỉ cần copy về, sửa sang lại thành của mình nên khả năng diễn đạt mất dần. Rồi tình trạng loạn sách tham khảo do sự bát nháo trong lĩnh vực xuất bản cũng khiến các em nhiễu loạn thông tin. Cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất bị thu hồi chỉ là một minh chứng của sự bát nháo đó.

Một nguyên nhân nữa là xu hướng tiếp cận cái mới của xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Các trung tâm ngoại ngữ mọc lên nhan nhản khắp nơi, thậm chí có thể tự học qua mạng hoặc qua giáo trình, từ điển điện tử. Bây giờ, có thể vào bất cứ hiệu sách nào, tìm bất cứ cuốn từ điển tiếng nước ngoài nào: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Trung Quốc... đều có cả. Nhưng tìm sách ngữ pháp tiếng Việt thì chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.

Học tiếng nước ngoài là rất cần thiết nếu chúng ta muốn hội nhập, phát triển. Nhưng cứ đà này thì sẽ đến lúc người Việt phải rất chật vật khi diễn đạt ngôn ngữ của chính mình.

N.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu