Thứ 5, 25/04/2024 13:13:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 18:45, 14/11/2013 GMT+7

Phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” - Hoạt động đầy tính nhân văn

Thứ 5, 14/11/2013 | 18:45:00 3,921 lượt xem

Nhằm cảm hóa, thuyết phục những người đã một thời phạm tội nhận rõ lỗi lầm, từ đó có ý thức tích cực cải tạo và phấn đấu sống có ích cho gia đình và xã hội, tại Trại giam Tống Lê Chân, hội nghị sơ kết đợt phát động phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” đã được Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) Bộ Công an tổ chức.


Giao lưu giữa phạm nhân Lê Nguyên Vũ và gia đình bị hại

Sau 3 tháng phát động cuộc thi, ban tổ chức đã nhận 14.299 bức thư của các phạm nhân thuộc 7 đơn vị trại giam khu vực phía Nam. Trong đó có 11.460 bức thư viết xin lỗi người thân, 1.731 bức thư gửi đến bị hại, thân nhân bị hại để xin lỗi, còn lại là hàng ngàn bức thư gửi các đối tượng khác. Tại hội nghị, ban tổ chức đã chọn 5 lá thư tiêu biểu để đọc và giao lưu với người nhận thư.

Bức thư của phạm nhân Nguyễn Trung Thành (thụ án tại Trại giam Tống Lê Chân với mức án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy) gửi cho người thân chứa nhiều tâm sự khiến những người dự hội nghị nghẹn lòng vì xúc động. Trong thư gửi ba, phạm nhân Thành viết: “Ba ơi! Khi hay tin con bị bắt, ba đã ngã bệnh không đi đứng được. Có lần ra thăm thấy ba đứng ngồi đều phải nhờ mẹ và em gái giúp, trời ơi, con xót xa và ân hận vô cùng. Mái đầu của ba tóc bạc xơ xác chỉ sau vài tháng con bị bắt. Công ơn trời bể ấy suốt cuộc đời này làm sao con có thể đền đáp được nổi đây hở ba”... “Con thầm cảm ơn giám thị và hội đồng cán bộ đã cho tụi con, những đứa con bất hiếu được gửi đến gia đình những lời xin lỗi tận trong sâu thẳm đáy lòng những nỗi ân hận muộn màng và lòng chân thật của con tim, khối óc đã biết hướng thiện”.

Phạm nhân Nguyễn Trung Thành chấp hành án tại Trại giam Tống Lê Chân đã được 4 năm. Thời gian ấy, phạm nhân hiểu được sai lầm của mình đã làm khổ đến người thân và ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Nhận từ con trai mình lời xin lỗi ngay tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Dũng, ở phường 13, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, không cầm được nước mắt. Ông nói: “Khi nhận thư của con, tôi không thể tưởng tượng được rằng đứa con do tôi sinh ra nhưng lại bất tài không dạy dỗ được lại biết nhận ra cái sai, cái lỗi của mình, biết viết thư xin lỗi ba mẹ. Tôi thấy hoạt động viết thư này vô cùng ý nghĩa, giúp các phạm nhân thức tỉnh lương tâm”. 

Bức thư của phạm nhân Lê Nguyên Vũ (thụ án tại Trại giam Tống Lê Chân về tội giết người) đã nói lên lòng biết ơn của mình đối với sự nhân từ, độ lượng của ông Nguyễn Văn Bách, ngụ ấp 4, xã Lộc Thái (Lộc Ninh), là ba của người mà Vũ đã đâm chết. Vũ viết: “Dù cháu là người cướp đi sinh mạng đứa con trai của chú nhưng lúc ra tòa, trước khi nói lời cuối cùng chú đã xin giảm nhẹ hình phạt và điều đó làm cháu rất cảm động... Bây giờ hằng đêm trước khi đi ngủ, lúc nào cháu cũng cầu nguyện cho linh hồn Bằng - con trai chú được siêu thoát”.

Vũ sinh ra và lớn lên tại xã Lộc Thuận (Lộc Ninh), trong một lần va chạm với một người bạn tại bệnh viện đã dẫn tới án mạng. Khi viết thư và gửi đi cho gia đình người quá cố, tâm trạng Vũ lúc nào cũng lo lắng bởi không biết gia đình bị hại có tiếp nhận thư và lời xin lỗi muộn màng của mình hay không. Nhưng rất may, sự bao dung của gia đình bị hại đã tạo cho phạm nhân Vũ niềm tin để cải tạo tốt, sớm trở về hòa nhập cộng đồng. 

Đánh giá phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi” của các phạm nhân, Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII Bộ Công an cho rằng, đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc, tác động đến tư tưởng, tình cảm của các phạm nhân, qua đó huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng góp sức giáo dục phạm nhân trong quá trình cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng.

Hầu hết thư của các phạm nhân đều chân thực, cảm xúc, nhận thức được lỗi lầm của mình đã gây ra... từ đó nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình phạm nhân và gia đình bị hại. Trong những bức thư gửi lời xin lỗi này, nhiều phạm nhân do trình độ văn hóa thấp nên nét chữ còn nguệch ngoạc, thiếu dấu, sai lỗi chính tả nhưng tất cả những dòng thư đều chân thành, mộc mạc, thể hiện sự hối cải, sự ân hận cho hành vi do bản thân gây ra.

Không thể phủ nhận những hành vi phạm tội của các phạm nhân gây ra rất đáng bị lên án. Nhưng qua học tập, cải tạo và đặc biệt với phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi” đã giúp họ tự nhận ra những sai lầm của mình. Viết thư xin lỗi cũng là dịp để phạm nhân tự sửa chữa, xóa đi mặc cảm tội lỗi. Bởi còn đó sự bao dung của chính những nạn nhân, gia đình bị hại và đặc biệt là xã hội luôn rộng mở vòng tay đón những người lầm đường lạc lối nhưng biết ăn năn hối cải trở về.

Dịp này, Tổng cục VIII cũng tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt tổ chức cho phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”. 12 phạm nhân viết thư đạt chất lượng tốt, chấp hành cải tạo tốt của Trại giam Tống Lê Chân đã được khen thưởng.

Hiền Lương

  • Từ khóa
23741

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu