Thứ 6, 29/03/2024 21:10:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:11, 01/04/2018 GMT+7

Lòng dân và sức dân

Chủ nhật, 01/04/2018 | 15:11:00 176 lượt xem

BP - Trong trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng năm 938, chiến thắng vang dội này có công đầu của danh tướng Nguyễn Tất Tố. Ông là người lĩnh ấn tiên phong đi nhử quân giặc vào bẫy cọc đã được cắm sẵn dưới lòng sông Bạch Đằng. Và người phụ tá đắc lực của Nguyễn Tất Tố là Đào Nhuận. Ngày nay, tư liệu còn lại về nhân vật này rất ít ỏi, chỉ biết rằng ông cùng quê Nguyễn Tất Tố ở làng Gia Viên, vốn là một dân thường, quen nghề chài lưới, lấy thuyền làm nhà, lấy sông nước làm nơi kiếm sống.

Biết Đào Nhuận là người thông thạo địa hình địa vật, Ngô Quyền đã sai ông và Nguyễn Tất Tố dẫn đầu một lực lượng đi thám sát, thăm dò con nước, các nhánh sông, bờ bãi quanh hai bờ sông Bạch Đằng để bố trí quân mai phục. Trong trận đại chiến trên sông Bạch Đằng, Đào Nhuận điều khiển chiến thuyền cùng Nguyễn Tất Tố dụ giặc, sau đó phối hợp với cánh quân trên bộ của tướng Phạm Bạch Hổ, được bố trí tấn công giặc tại một địa điểm bên sông. Ông đã chỉ huy đội thuyền của mình chiến đấu rất dũng cảm, nhanh nhẹn, góp phần vào chiến thắng chung. Ghi nhớ công tích những người anh hùng của quê hương, sau này, người dân vùng duyên hải miền Đông khi lập đền thờ Ngô Quyền còn thờ một số tướng lĩnh, trong đó có Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố.

Minh họa: S.H

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, cùng góp công sức lớn vào trận thắng Bạch Đằng còn có 3 anh em họ Lý ở Hoàng Pha (nay thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) tên là Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo xuất thân trong gia đình dân dã. Khi Ngô Quyền và bộ chỉ huy kéo quân về vùng ven biển đông bắc chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. Anh hùng nghĩa sĩ, dân chúng ở đây ai cũng nhiệt tình tham gia, người mang vũ khí, kẻ mang thuyền bè tìm đến cửa quân xin diệt giặc.

3 anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả ở Hoàng Pha biết tin ấy bàn với nhau rằng: Sống ở đời phải coi quốc gia làm trọng, nay non sông nguy biến, chính là lúc những người như anh em ta phải ghé vai gánh vác. Sau đó, 3 anh em hô hào, chiêu mộ trai tráng trong vùng được trên 100 người đến doanh trại của Ngô Quyền đầu quân. Khi trận địa cọc ngầm đã bố trí xong, 3 anh em họ Lý được Ngô Quyền cử theo giúp Nguyễn Tất Tố thực hiện kế dụ địch. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó, Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng với hơn một nửa quân sĩ.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Nghe tin con Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm kinh hoàng, đành “thương khóc thu nhặt tàn quân còn lại mà rút lui”. Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược Tĩnh Hải quân. Lưu Cung cũng than rằng cái tên “Cung” của ông là xấu. Nhận xét về việc này, sử thần Ngô Sỹ Liên đã viết trong “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau: Lưu Cung tham đất đai của người, muốn mở rộng bờ cõi, đất đai chưa lấy được mà đã hại mất đứa con của mình và hại cả nhân dân, tức như Mạnh Tử nói: “Đem cái mình không yêu mà hại cái mình yêu” vậy chăng?

Sau trận đại thắng Bạch Đằng, 3 anh em họ Lý được phong làm tướng quân nhưng họ đều từ chối nhận mọi bổng lộc, địa vị mà xin ở lại quê nhà cùng nhân dân vui đời sống thôn dã. Khi 3 ông mất, người dân nhớ công đã lập đền thờ phụng, tôn làm Thành hoàng. Ngày nay ở ngôi chùa Hoàng Pha có tên chữ là An Lạc Tự thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, không chỉ thờ Phật mà còn có ban thờ các vị Thành hoàng làng Hoàng Pha là 3 anh em họ Lý, những người có nhiều công lao chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và đặc biệt là công sức đóng góp xây dựng quê hương.

Lời bàn:

Với cái nhìn của nhà địa lý chiến lược, cuốn sách “Dư địa chí” trình bày tổng quát những hiểu biết sớm nhất về giang sơn đất nước Đại Việt đầu thế kỷ XV, khi nhận xét về sự hiểm yếu của sông Bạch Đằng, Nguyễn Trãi đã hạ 4 chữ “Quan hà bách nhị”. Nghĩa là, ải quan trên sông, 2 người có thể địch nổi trăm người, để đánh giá vị thế chiến lược đặc biệt của sông nước này. Tuy nhiên, các sử gia đương thời cũng như hậu thế ngày nay đều nhận biết rõ điều này và cho rằng, nếu chỉ dựa vào địa thế hiểm yếu của dòng sông Bạch Đằng thì chắc chắn cả Ngô Quyền và Lê Đại Hành hay Trần Quốc Tuấn cũng khó có thể phá được thế giặc khi ấy, mà cần phải có sự ủng hộ của dân chúng trong việc giữ kín mưu kế và trận địa mai phục, cùng những dũng tướng sẵn sàng hy sinh để nhử địch như Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận, Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả...

Nhà sử học Lê Văn Lan đã nói: Trong truyền thống sông Bạch Đằng được kiến lập, tạo dựng từ thời Ngô Quyền, Lê Hoàn đánh quân Nam Hán và giặc nhà Tống ở thế kỷ X, đến thời Trần Hưng Đạo và quân dân nhà Trần diệt giặc Mông Nguyên ở thế kỷ XIII, đều tại nơi dòng sông thiên hiểm này. Bên cạnh nghệ thuật quân sự đánh giặc trên cùng một dòng sông, nhưng không lần nào giống lần nào, khiến giặc tuy biết rằng đến đây là bị đánh, đã cẩn thận đề phòng rồi mà vẫn cứ bị đại bại, thì cùng với sự biến ảo khôn lường của cách đánh trong truyền thống Bạch Đằng, còn có ở đây điều rất quan trọng là văn hóa quân sự để được lòng dân và sức dân! Vâng, thời nào cũng thế, chính lòng dân và sức dân là yếu tố quyết định mọi thắng lợi.

N.D

  • Từ khóa
110028

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu