Thứ 6, 29/03/2024 18:43:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:38, 13/07/2018 GMT+7

Lừa đảo bán hàng qua mạng: Chẳng lẽ bó tay?

Thứ 6, 13/07/2018 | 08:38:00 297 lượt xem
BP - Bên cạnh những trang mạng bán hàng uy tín thì hiện nay, việc quản lý thương mại điện tử còn lỏng lẻo nên đã và đang tạo cơ hội cho không ít tổ chức, cá nhân đưa hàng giả, kém chất lượng ra thị trường bằng con đường này. Báo Bình Phước ngày 9-7-2018 đăng bài “Mua hàng online: Mất tiền lại rước bực vào thân” mới chỉ nói lên phần rất nhỏ tâm trạng bức xúc của nhiều người lỡ mua hàng kém chất lượng từ những lần “click chuột”.

Tại Điểm a, Khoản 6, Điều 82 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động... Nhưng lại chưa có cơ quan nào đứng ra kiểm chứng chất lượng hàng hóa được rao bán trên mạng và bảo vệ người tiêu dùng khi sự việc lừa đảo đã thực hiện trót lọt. Với những “tín đồ” mua bán hàng online, họ dễ dàng chỉ ra hàng loạt website kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lừa bịp người tiêu dùng, nhẹ thì vài bộ quần áo, lớn thì điện thoại, thậm chí cả vé máy bay giả nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Điều đáng nói, các trang web sau lừa đảo vẫn công khai hoạt động. Khách gọi mua hàng vẫn đon đả giới thiệu, thề sống thề chết sản phẩm giống y hình, chất lượng đảm bảo nhưng nếu nhắc đến sản phẩm tồi tệ mới nhận, khách hàng sẽ bị cúp máy... rụp (!?).

Quyền lợi người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị bỏ rơi nếu những trang web chủ định lừa gạt khách hàng. Chiêu thường dùng là yêu cầu chuyển khoản trước hoặc liên kết với đơn vị chuyển phát nhanh giao hàng không cho kiểm hàng. Khi người mua phản hồi sự không hài lòng về sản phẩm thì chủ hàng... bỗng dưng biến mất: điện thoại không liên lạc được; nhắn tin qua trang web cũng bị chặn. Bên chuyển phát nhanh cũng “phủi tay” không hỗ trợ người tiêu dùng vì chủ hàng mới là khách hàng của họ. Biết mình bị lừa, người mua hàng đành phải nuốt ấm ức, tự an ủi... coi như mình gặp xui!

Hiện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước chưa phát huy tốt vai trò, chức năng đã đề ra. Khi biết bị lừa, người tiêu dùng tìm đến hội thường là “đường cùng” nhưng rất ít vụ việc được giải quyết, hoặc giải quyết chưa đến cùng... Còn chẳng ai dại gì lần mò theo địa chỉ giao hàng vì hầu hết là ma, số điện thoại rác và chủ hàng luôn ở thế chủ động, chỉ cần một cái click chuột thì các chứng cứ... biến mất.

Kinh doanh qua mạng là xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại. Nhưng khi người tiêu dùng không còn tin tưởng vào việc mua hàng qua mạng sẽ kéo thương mại điện tử đi xuống, khiến những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn uy tín muốn mở rộng thị trường trong và ngoài nước thông qua kênh này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại. Trong khi người tiêu dùng phải quay về thị trường truyền thống, với hạn chế phạm vi hẹp, tốn thời gian và hàng hóa không phong phú nhưng được “mục sở thị” khi mua hàng!

Về pháp lý, kênh bán lẻ trực tuyến muốn hoạt động phải thông báo, xin phép Bộ Công Thương, chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng. Nhưng thực tế, kinh doanh online diễn ra khá thoải mái, tự do. Nhiều website bán hàng trực tuyến quảng cáo không trung thực, bán hàng chất lượng kém vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, đẩy tất cả thiệt thòi về phía người tiêu dùng. Muốn kích cầu mua sắm mà chỉ kêu gọi mọi người hãy là “người tiêu dùng thông thái” thì chưa đủ. Cơ quan chức năng phải vào cuộc, sử dụng biện pháp mạnh với chế tài đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm.

An Nhiên

  • Từ khóa
108913

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu