Thứ 5, 25/04/2024 22:13:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 11:05, 27/06/2017 GMT+7

Luận điệu cũ rích nhưng vô cùng thâm độc

Thứ 3, 27/06/2017 | 11:05:00 4,675 lượt xem

BP - Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ra sức cổ súy cho một luận điểm hết sức phản động, thâm độc, đó là kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam. Cụ thể, trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch kêu gọi bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013 hiến định vai trò lãnh đạo xã hội và hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng lớn tiếng kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì mới đem lại nền dân chủ thực sự và cuộc sống thịnh vượng cho nhân dân Việt Nam.

Vậy, Việt Nam có nên thực hiện đa nguyên, đa đảng không? Câu trả lời dứt khoát là không, bởi xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, chủ nghĩa đa nguyên là một học thuyết tư sản, phi khoa học, phản cách mạng, không thể áp dụng cho một nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam. Chủ nghĩa đa nguyên là một trường phái triết học xã hội tư sản do nhà triết học Đức Wolf Chiristian Von (1679-1754) đề xuất vào đầu thế kỷ XVIII. Thế giới quan của chủ nghĩa đa nguyên phủ nhận tính thống nhất của thế giới, cho thế giới là sự kết hợp các nguyên thể, các yếu tố thổi phồng cái riêng. Họ cho rằng, xã hội luôn được chia nhỏ thành cơ số các cá thể, nhóm, tầng lớp, tập đoàn, phân biệt bằng tài sản và thu nhập, tín ngưỡng tôn giáo, đảng phái, nghề nghiệp, che đậy tính đối kháng trong mối quan hệ xã hội và phủ nhận sự phân chia xã hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa đa nguyên chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức đảng phái này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Như vậy, nếu công nhận đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam tức là hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam xuống thành một tổ chức xã hội bình thường.

Thứ hai, sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu của chính lịch sử và nhân dân Việt Nam, Đảng ta không tự ban cho mình vai trò lãnh đạo. Chúng ta đều biết, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở Việt Nam đã có nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo các đường lối khác nhau, nhưng đều thất bại. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, với đường lối cách mạng đúng đắn đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1946, quân Tưởng núp bóng danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân Nhật, đã kéo theo bè lũ phản động, bán nước Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng chí hội (Việt Cách) hòng bóp nát nhà nước cách mạng non trẻ Việt Nam. Nhưng, sau khi ta ký hiệp ước với Pháp, Tưởng buộc phải rút quân về nước, bọn Việt Quốc, Việt Cách liền theo gót quan thầy chạy về Trung Hoa dân quốc, chỉ còn lại Đảng Cộng sản Việt Nam chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Sau đó, Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập, nhưng rồi tuyên bố tự giải tán, nhường quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, ở Việt Nam cũng đã thực hiện đa nguyên, đa đảng, song duy nhất chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới được lịch sử và nhân dân ta tin tưởng trao quyền lãnh đạo. Đảng ta chưa bao giờ và cũng không bao giờ tự ban cho mình quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Thứ ba, mục tiêu cao nhất của mọi chế độ chính trị và hoạt động chính trị là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Trong hơn 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là nước ổn định về chính trị, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng nâng cao. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đủ để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, không nhất thiết Việt Nam phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Thứ tư, thực chất chế độ chính trị ở các nước phương Tây là chế độ nhất nguyên. Dù các đảng phái với tên gọi khác nhau nhưng thay nhau lên nắm quyền, song về bản chất vẫn là đảng của giai cấp tư sản, phục vụ và bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Các đảng cộng sản được phép hoạt động, nhưng khi có nguy cơ ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của giai cấp tư sản thì lập tức bị o ép, thậm chí bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Thật là phi lý khi các nước phương Tây ngoài miệng thì kêu gọi Việt Nam thực hiện đa nguyên chính trị, còn chính mình lại phủ nhận điều đó.

Như vậy, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập chẳng qua chỉ là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Luận điệu đó chỉ lừa gạt được những người nhẹ dạ, cả tin, là chỗ dựa cho những thành phần bất mãn, chống đối chế độ, cơ hội chính trị mà thôi. Những thành tựu to lớn trong hơn 30 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chứng cứ hùng hồn chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và hệ thống chính trị Việt Nam. Chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác để không rơi vào mê hồn trận những luận điệu xuyên tạc, phản động của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.

Thanh Quang
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

  • Từ khóa
2636

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu