Thứ 7, 20/04/2024 21:25:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:15, 23/09/2014 GMT+7

Luật Doanh nghiệp bị “tiếm quyền”

Thứ 3, 23/09/2014 | 08:15:00 119 lượt xem
BP - Luật Doanh nghiệp đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006. Tuy nhiên, hiện nay luật này đang bị nhiều luật chuyên ngành khác tiếm quyền đăng ký kinh doanh của các chủ thể có thẩm quyền bằng cách gắn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào một giấy phép hoạt động.

Cụ thể là tại Điều 65 của Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định như sau: Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn tại Khoản 2, Điều 59 của Luật Chứng khoán cũng có quy định tương tự: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Có thể nói hai luật trên đã lợi dụng quy định tại khoản 2, Điều 3 của Luật Doanh nghiệp để “gặm nhấm” quyền đăng ký kinh doanh của các chủ thể có thẩm quyền được Luật Doanh nghiệp quy định. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 3 của Luật Doanh nghiệp quy định như: Trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại luật khác thì áp dụng theo quy định của luật đó. Và với quy định này, các luật chuyên ngành chỉ cần thêm hai từ “đồng thời” là coi như hoàn thành việc vô hiệu lực từng phần của Luật Doanh nghiệp để giành lấy quyền đăng ký kinh doanh cho cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực mà các luật đó điều chỉnh. Trong khi nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan này chỉ nên dừng lại ở việc cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp, còn quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là của cơ quan đăng ký kinh doanh, phục vụ lợi ích chung cho nhà đầu tư. Hệ quả tất yếu của việc làm trên là sự rối loạn, không thống nhất trong quản lý doanh nghiệp ở tầm vĩ mô.

Để khắc phục sự chồng chéo giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật chuyên ngành nhằm đảm bảo quyền tự do thành lập doanh nghiệp cần thống nhất việc quản lý nhà nước về doanh nghiệp, để cho việc quản lý doanh nghiệp phù hợp với thực tế hiện nay. Cụ thể, phải trả lại thẩm quyền đăng ký kinh doanh cho chủ thể có thẩm quyền được quy định theo Luật Doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh phải là cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Các cơ quan khác chỉ có chức năng kiểm soát điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực mình phụ trách.

Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện áp dụng thống nhất về đăng ký kinh doanh đối với tất cả các ngành nghề, không để tình trạng các luật chuyên ngành lấn sân Luật Doanh nghiệp, tạo sự chồng chéo trong việc quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp tới cần xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan đăng ký kinh doanh, thiết lập một hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện. Coi việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép hoạt động là những hoạt động độc lập với việc đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bởi, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là nhằm xác lập tư cách pháp nhân cho doanh nghiệp. Nó hoàn toàn khác với việc cho phép doanh nghiệp hoạt động trong một ngành nghề, lĩnh vực nào đó. Và đã hoạt động kinh doanh thì trước tiên phải đăng ký kinh doanh để xác lập tư cách pháp nhân của chủ thể kinh doanh, sau đó cấp giấy phép hoạt động, cấp giấy chứng nhận đầu tư ngành nghề...  

N.V

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu