Thứ 5, 18/04/2024 11:58:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:36, 14/08/2019 GMT+7

Luồng gió mới trong công tác cán bộ

Thứ 4, 14/08/2019 | 08:36:00 125 lượt xem
BP - Ngày 31-7 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 189/TB-UBND về việc thi tuyển chức danh phó giám đốc sở và tương đương ở các cơ quan hành chính trực thuộc UBND tỉnh. Các chức danh thi tuyển gồm: Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó giám đốc Sở Nội vụ. Như vậy, sau rất nhiều nỗ lực, đây là lần đầu tiên Bình Phước tổ chức thi tuyển các chức danh quản lý cấp sở, tạo nên một luồng gió mới mang tính khách quan, khoa học, hiệu quả trong công tác tuyển dụng cán bộ.

Từ lâu, công tác cán bộ luôn là nỗi trăn trở đối với các cấp ủy đảng, chính quyền. Ngay cả khi Trung ương chưa có hướng dẫn thực hiện thì đã có rất nhiều tỉnh, thành phố mạnh dạn “xé rào” trong công tác tuyển dụng, nhằm tuyển chọn được những người tài, đức, tâm huyết để cống hiến. Tiên phong cải tổ công tác tuyển dụng, sắp xếp lại bộ máy phải kể đến các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... Bình Phước cũng cử nhiều đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh đã có nhiều thành quả trong công tác cán bộ như Quảng Ninh, Đà Nẵng... Bên cạnh đó, từ năm 2017, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 2424/BNV-CCVC, hướng dẫn thực hiện “Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Thế nên sự mạnh dạn đổi mới công tác tuyển chọn theo hướng thực chất hơn của tỉnh đã có cơ sở pháp lý để thực hiện. Và đây chính là cơ hội tốt để thăng tiến trong bộ máy nhà nước cấp tỉnh đối với những người trẻ, được đào tạo bài bản và có năng lực chuyên môn cao.

Từ trước tới nay, chu kỳ quy hoạch cán bộ thường 5 năm trở lên cho một vị trí lãnh đạo, quản lý. Điều này dễ dẫn đến tình trạng khi người lãnh đạo sắp nghỉ hưu hoặc trước khi chuyển công tác khác sẽ tìm cách đưa con em, họ hàng, người cùng phe cánh vào quy hoạch. Những người không cùng nhóm hoặc mới tuyển dụng không nằm trong quy hoạch sẽ không được cân nhắc, bổ nhiệm. Ngoài tình trạng phe cánh, cục bộ thì còn có tình trạng “sống lâu lên lão làng”. Thế nên nhiều người trẻ, thực sự có tài không có cơ hội để được cất nhắc, lựa chọn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị.

Không riêng gì Bình Phước, việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ góp phần khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ nặng về bằng cấp, thành phần xuất thân, quá trình cống hiến... mà chưa coi trọng đúng mức hiệu quả công tác và sự tín nhiệm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong đội ngũ cán bộ, tạo động lực thúc đẩy ý thức tự học tập, tự hoàn thiện nhân cách. Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp không chỉ ngăn tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ mà còn tạo nhiều cơ hội cho những người trẻ thực sự tài năng, tâm huyết với công việc. Đây chính là bước tiến thực sự của dân chủ, công bằng trong công tác cán bộ. Hẳn nhiều người còn nhớ trường hợp chị Nguyễn Thùy Yên, sinh năm 1981, lúc ấy là phó phòng và đã có 8 năm công tác tại Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh. Năm 2013, khi tỉnh Quảng Ninh thông báo thi tuyển chức danh phó giám đốc sở này, chị Yên nộp hồ sơ dự tuyển và đã giành điểm cao nhất, được bổ nhiệm Phó giám đốc sở ở tuổi 32.

Bình Phước và nhiều tỉnh, thành cũng có dàn cán bộ trẻ, năng động. Việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho những người trẻ. Bởi thi tuyển thì cơ hội sẽ chia đều cho mọi người, bất kể trong hay ngoài quy hoạch. Như lời đồng chí Phạm Minh Chính khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh: Cơ chế tuyển dụng một lần hưởng lương suốt đời như lâu nay đang làm thui chột nhân tài. Chỉ có dân chủ mới tìm được những người có trí tuệ, loại được người kém! 

T.N

  • Từ khóa
29471

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu