Thứ 6, 29/03/2024 08:28:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:48, 18/09/2014 GMT+7

Làm rõ nguyên nhân dẫn tới hạn chế của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ 5, 18/09/2014 | 16:48:00 3,019 lượt xem
BPO - Sáng 18-9, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, trong năm 2014 (tính từ 15-8-2013 đến 15-8-2014), số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%; số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 3,39%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 9,54%.

Về khiếu nại, các cơ quan hành chính cả nước đã tiếp nhận 81.949 đơn, trong đó có 36.452 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước. Nội dung khiếu nại chủ yếu về lĩnh vực đất đai, chiếm 68,2%.

Về tố cáo, các cơ quan hành chính tiếp nhận 19.207 đơn tố cáo trong đó có 7.974 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, báo cáo của Chính phủ về cơ bản đã phản ánh sát thực tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm, nêu ra được những nguyên nhân chính làm phát sinh tình hình khiếu nại, tố cáo; đánh giá đúng mức việc tổ chức thực hiện và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Báo cáo cũng đã phân tích, đánh giá được những chuyển biến tích cực cũng như hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đồng thời nêu ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác này.

Ông Nguyễn Đức Hạnh báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố  cáo năm 2014

Tuy nhiên một số thành viên của Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, Báo cáo cần phải cụ thể hơn nữa nhất là phân tích nguyên nhân cũng như đánh giá chính xác các số liệu đưa ra.

Nhận định về tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua, ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, mặc dù có giảm, song tình hình khiếu nại, tố cáo nhìn chung vẫn còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ‎ý, là số đơn thư khiếu nại, tố cáo các địa phương tiếp nhận giảm trong khi ở các bộ, ngành lại tăng, nhất là số lượt đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tăng đến hơn 12%.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, sự gia tăng các đoàn khiếu nại đông người cũng như sự chống đối quyết liệt người thi hành công vụ trong năm vừa qua là thực trạng đáng báo động, trong đó có phần thể hiện sự phản ứng của người dân đối với hoạt động kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân trong quản lý nhà nước cũng như trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tình trạng này, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, dễ bị các thế lực xấu lợi dụng, kích động, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ông Trần Đình Long nhấn mạnh, bên cạnh việc rà soát lại tình hình để có giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực, cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công dân, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi kích động, lôi kéo những người đi khiếu nại, quá khích, gây rối.

Các đại biểu cũng đồng quan điểm cho rằng, cần phải xem xét, đánh giá làm rõ nguyên nhân của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay còn hạn chế đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan. “Nếu không đánh giá đúng được nguyên nhân thì không thể có giải pháp cụ thể, hiệu quả được”, bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh cho biết.

Cũng nói về những nguyên nhân, có đại biểu thẳng thắn chỉ rõ, nhìn từ thực tế, chúng ta không phủ nhận là có vấn đề do năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm, thậm chí là vô cảm đối với quyền lợi của công dân ở những cán bộ làm công tác thanh tra. Điều này dẫn tới vấn đề khiếu nại, khiếu kiện của người dân chưa được giải quyết thật sự thỏa đáng, khiến người dân bức xúc, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Bên cạnh đó, đối với cán bộ tiếp nhận đơn thư, có những nơi do yếu về chuyên môn, việc phân loại đơn thư còn sai, dẫn tới đơn thư của công dân không được giải quyết.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong những nguyên nhân dẫn tới hạn chế của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, những vấn đề liên quan tới quy phạm pháp luật thì chúng ta sẽ phải xem xét và sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo cần công khai, minh bạch và đúng pháp luật; kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền đối với việc để xảy ra khiếu nại, tố cáo do năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm của cơ quan, cán bộ do mình quản lý.

Tiếp thu các ‎ý kiến của đại biểu, ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, đây là lĩnh vực khó, hết sức phức tạp, cần phải có từng bước để khắc phục chứ không thể thay đổi một sớm một chiều.

Từ góp ý của các đại biểu, Thanh tra Chính phủ sẽ hoàn chỉnh báo cáo trên đồng thời trong thời gian tới sẽ cố gắng tham mưu cho Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Nguồn ĐCSVN

  • Từ khóa
11737

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu